Theo đó, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa thông tin, các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh cột sống đã thực hiện cuộc mổ phức tạp kéo dài 6 tiếng cho bệnh nhân.
Cụ thể, bệnh nhân Lê Ngọc Th. (55 tuổi, trú tại TP Cẩm Phả) ngã từ trên cao xuống nền cứng được đưa vào viện trong tình trạng mất vận động, liệt không hoàn toàn tứ chi (lực cơ 1/5). Qua kết quả thăm khám và chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương cột sống cổ nặng: Vỡ đốt sống cổ C5, đụng dập tuỷ cổ ngang mức cột sống cổ C4,5,6.
Nhận thấy đây là trường hợp chấn thương cột sống cổ phức tạp, các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh cột sống đã nhanh chóng họp hội chẩn và quyết định tiến hành kết hợp đồng thời 2 đường mổ để có thể xử trí triệt để tổn thương với mục tiêu phục hồi vận động tốt nhất cho người bệnh. Kíp bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh cột sống đã thực hiện 2 đường mổ trong ca phẫu thuật.
Để xử trí phần đốt sống cổ bị vỡ, phẫu thuật viên mở đường trước khéo léo bộc lộ động mạch cảnh, thực quản và tiến hành nẹp vít cố định cột sống cổ C5, thay đĩa đệm nhân tạo. Vết mổ được kiểm tra cầm máu, khâu đóng cẩn thận. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tư thế nằm sấp để tiếp tục thực hiện đường mổ lối sau. Kíp bác sĩ phẫu thuật tiếp tục bộc lộ đốt sống cổ phía sau, cắt bỏ toàn bộ khung sau cột sống cổ C3,4,5,6 để giải phóng chèn ép khu vực tuỷ cổ bị đụng dập, nép vít tạo hình. Cuộc mổ 6 tiếng đầy căng thẳng đã diễn ra thành công.
Sau 3 ngày phẫu thuật, hai tay và chân phải của bệnh nhân hoạt động bình thường, chân trái phục hồi cảm giác. Bệnh nhân đã ăn uống nhẹ nhàng, sức khoẻ tiến triển tích cực.
Bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, Trưởng đơn nguyên Phẫu thuật thần kinh cho biết: “Từ trước đến nay, khoa đã gặp nhiều trường hợp chấn thương cột sống cổ ở các mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Riêng với trường hợp của bệnh nhân Th. sau khi tai nạn, cột sống cổ bị tổn thương rất phức tạp và ít gặp kể cả với tuyến trung ương. Vì vậy, sau khi đánh giá kỹ lưỡng về tình trạng chấn thương của người bệnh, chúng tôi quyết định thực hiện cả 2 đường mổ trong một ca phẫu thuật.
Lý do thực hiện 2 đường mổ là bởi, nếu chỉ thực hiện một đường mổ như những ca thông thường thì không thể xử trí triệt để cả đoạn vỡ đốt sống cổ và đụng dập tuỷ cổ, như vậy khả năng phục hồi vận động sẽ thấp, thậm chí có thể liệt tứ chi hoàn toàn, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt về sau của người bệnh.
Đây là một trong những ca phẫu thuật cột sống cổ lâu nhất mà chúng tôi từng thực hiện nhưng đã mang đến kết quả ngoài mong đợi”.