Cựu Bí thư Bình Dương nhắc cấp dưới "làm sai thì phải nhận lỗi"

Cựu Bí thư Bình Dương nhắc cấp dưới "làm sai thì phải nhận lỗi"

Đỗ Tuấn Anh

Đỗ Tuấn Anh

Thứ 5, 18/08/2022 15:43

Tại phiên tòa sáng ngày 18/8, ông Trần Văn Nam nhắc cấp dưới của mình "làm sai thì phải dũng cảm nhận lỗi, mình phải ngẩng đầu với bà con Bình Dương”.

Sáng ngày 18/8, phiên xét xử sơ thẩm 28 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Tham ô tài sản" xảy ra tại tỉnh Bình Dương tiếp tục diễn ra với nội dung thẩm vấn của các Luật sư.

HĐXX tiếp tục xét hỏi lại bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương liên quan tới các sai phạm tại Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2).

Ông Trần Văn Nam cho hay việc ký ban hành quyết định giao khu đất 43ha cho Tổng công ty 3/2 là phù hợp với chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương.

Ngoài ra, ông Nam cũng bác bỏ cáo buộc khi ký các văn bản lùi ngày bỏ khu đất 43ha ra khỏi công văn số 407 với mục đích "hợp thức hóa" việc Tổng công ty 3/2 bán cổ phần tại Công ty Tân Phú.

Tại phiên sơ thẩm, Luật sư của ông Phạm Văn Cành (cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đặt câu hỏi với ông Nam: “Ông không cho lập văn bản lùi ngày, vậy việc này làm theo chủ trương của ai?”

Cựu Bí thư Bình Dương trả lời, không biết có văn bản lùi ngày và quay sang nói thêm với bị cáo Ngô Dũng Phương (cựu Trưởng phòng Tài chính Đảng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương - từng là cấp dưới của mình) rằng: “Anh Phương phải dũng cảm, làm sai thì nhận, mình phải ngẩng đầu với bà con Bình Dương”.

Hồ sơ điều tra - Cựu Bí thư Bình Dương nhắc cấp dưới 'làm sai thì phải nhận lỗi'

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 18/8

Tại một diễn biến khác, ông Trần Văn Nam thừa nhận việc Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2) góp vốn 30% vào Công ty Tân Phú thực chất là mang đất đi góp vốn, việc này gây bức xúc trong Thường trực tỉnh ủy.

Ông Nam cho rằng không thể giao 43ha về Công ty Impco vì đây là doanh nghiệp mới thành lập, không liên quan. Do vậy, ông có chỉ đạo để lại khu đất 43ha, yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm rõ trách nhiệm của Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương trong việc góp vốn rồi thoái vốn.

Theo cáo trạng, tháng 4/2017, Tỉnh ủy Bình Dương họp về việc Tổng Công ty 3/2 bán cổ phần tại Tân Phú và biết việc Nhà nước có thể mất toàn bộ khu đất 43ha nhưng đã không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bán cổ phần. Bị cáo Ngô Dũng Phương còn soạn thông báo cho bị cáo Phạm Văn Cành, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương ký với nội dung đồng ý cho Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Tân Phú.

Đến năm 2018, ông Trần Văn Nam chủ trì họp, bàn cách xử lý việc liên quan khu đất 43ha, lúc này đã thuộc sở hữu của bà Đặng Thị Kim Oanh. Ông Nam khi đó chỉ đạo: "Xử lý về mặt văn bản, sửa lại, điều chỉnh lại, xem xét bỏ khu đất 43ha ra khỏi công văn số 407 năm 2016". Trong công văn 407 có nội dung vốn 43ha phải đưa về Công ty Impco. Văn bản cuộc họp này được lập khống, lùi ngày về năm 2017.

Trong vụ việc này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng, thẩm quyền thay đổi quyết định chuyển nhượng đất của Tổng công ty 3/2 thuộc về ông Phạm Văn Cành (cựu Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Dương).

 

Với vai trò là chủ sở hữu, trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật về quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, tỉnh ủy Bình Dương cũng đã ban hành các quy định để quản lý.

Đồng thời cùng UBND tỉnh Bình Dương thực hiện trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước, tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo toàn vốn, tài sản, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương.

Tuy nhiên, các bị cáo đã có những hành vi sai phạm dẫn đến nhà nước bị thất thoát hơn 5.000 tỷ đồng.

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.