Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị đề nghị mức án từ 9 - 10 năm tù

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị đề nghị mức án từ 9 - 10 năm tù

Đỗ Tuấn Anh

Đỗ Tuấn Anh

Thứ 6, 19/08/2022 17:48

Với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", cựu Bí thư Trần Văn Nam bị VKS đề nghị mức án từ 9-10 năm tù.

Chiều 19/8, phiên tòa xét xử sơ thẩm 28 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Tham ô tài sản" xảy ra tại tỉnh Bình Dương tiếp tục diễn ra

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa trong vụ án chuyển nhượng “đất vàng” sai quy định ở Bình Dương đã tiến hành đề nghị mức án với các bị cáo.

Hồ sơ điều tra - Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị đề nghị mức án từ 9 - 10 năm tù

Đại diện VKS đề nghị mức án với 28 bị cáo trong vụ án "đất vàng" Bình Dương

Trong đó có những cựu lãnh đạo cao cấp của Bình Dương như: ông Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương), Trần Thanh Liêm (cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), Phạm Văn Cành (cựu phó bí thư Tỉnh ủy), Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bình Dương),...

Cụ thể, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt mức án sau với các bị cáo: Bị cáo Trần Văn Nam bị đề nghị từ 9-10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cùng tội danh, VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Thanh Liêm từ 9-10 năm tù; bị cáo Phạm Văn Cành 4-5 năm tù. Với hai tội danh là "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và “Tham ô tài sản”.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh - cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty sán xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2) bị xác định có vai trò chủ mưu nên bị đề nghị mức án cao nhất cho cả hai tội danh từ 29-30 năm tù.

Bị cáo Trần Nguyên Vũ nhận mức án từ 24-26 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 3 năm tù đến 23 năm tù.

Hồ sơ điều tra - Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị đề nghị mức án từ 9 - 10 năm tù (Hình 2).

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm chiều ngày 19/8

Tại phiên sơ thẩm, VKS cáo buộc, ông Trần Văn Nam là cán bộ trải qua công tác ở nhiều vị trí trước khi giữ chức vụ cao nhất là Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Lẽ ra bị cáo Nam phải gương mẫu trong thực thi công vụ, phải hướng dẫn cán bộ cấp dưới làm đúng pháp luật, không để xảy ra sai phạm trong vụ việc này.

Với trách nhiệm là người đứng đầu, bị cáo Trần Văn Nam đã ký các văn bản gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Bị cáo Trần Văn Nam phải chịu trách nhiệm trong những quyết định và chỉ đạo của mình, đại diện VKS thông tin. 

Bị cáo Nam có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Ngoài ra, bị cáo đã khắc phục một phần số tiền thiệt hại. Đây là những tình tiết giảm nhẹ đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy.

Trước đó, cáo trạng và diễn biến phiên tòa đã thể hiện, ông Trần Văn Nam và ông Trần Thanh Liêm đã ký những văn bản, đồng ý áp giá đất thấp hơn mức giá quy định, từ đó giao các diện tích “đất vàng” cho Tổng Công ty 3/2.

Về phần dân sự, VKS đề nghị HĐXX xem xét, tuyên theo hướng trả lại khu đất 43ha cho chủ sở hửu là Tỉnh ủy Bình Dương. Do khu đất 43ha đã được thu hồi nên không buộc các bị can phải có trách nhiệm bồi thường, quyền lợi của của các bên liên quan sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với khu đất 145ha, Công ty Tân Thành đã đồng ý trả lại cho Tỉnh ủy Bình Dương, phía tỉnh sẽ hoàn trả cho các cổ đông của công ty (toàn bộ phần vốn góp theo giá trị ban đầu).

Sau khi nhận lại khu đất 145ha, các bên sẽ định giá Công ty Tân Thành để xử lý các vấn đề liên quan theo quy định. Viện kiểm sát cho rằng các đề nghị này của hai bên là phù hợp.

Do đó VKS đề nghị tòa tuyên theo hướng trả lại khu đất 145ha cho chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương và không yêu cầu các bị cáo liên quan sai phạm khu đất này phải bồi thường thiệt hại.

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.