Những ngày qua, câu chuyện về chú Bình – một người lính Vị Xuyên xưa cũ trong vụ tấm tôn cứa vào cổ cháu bé ở Hoàng Mai đã khiến không chỉ đồng đội, người thân mà còn rất nhiều người phải thổn thức.
Đối mặt với việc bị khởi tố, bản thân chú và gia đình vô cùng lo lắng, suy sụp. Nhưng có lẽ, tình người đã chiến thắng tất cả. Với sự vị tha của gia đình bị hại, sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, tối 6/10 chú Bình đã được tại ngoại, trở về với cuộc sống thường ngày như trước.
Đó là niềm hạnh phúc của chú, gia đình chú, những người đồng đội và cộng đồng xã hội. Xong, ẩn sâu bên trong chú là cả một đoạn đường dài gập ghềnh phía trước phải bước qua.
Với chú, đây dường như là quãng thời gian khủng hoảng nhất cuộc đời. Bởi thế, câu chuyện về những ngày tháng ở chiến trường, ký ức về đồng đội đã trở thành liều thuốc bổ giúp người lính già vơi bớt nỗi lòng, phần nào thoát khỏi nỗi ám ảnh ấy.
Chú đã được tại ngoại, nhưng không khí nặng nề vẫn bao trùm căn nhà trọ chật hẹp của gia đình trong con ngõ 66, phố Tân Mai.
Mọi thứ vẫn chưa thật sự ổn…
Cô Phương – vợ chú kể lại cho tôi nghe về câu chuyện không may của chồng. Câu chuyện chưa dứt, chú – người đàn ông gầy gò, đen thó bước vào. Rít một hơi thuốc lào, chú ngồi xuống sàn rồi đưa tay vuốt ngực. Chú khó thở. Vốn sức khỏe không được tốt, lại đối mặt với biến cố lớn của cuộc đời khiến chú thêm áp lực và mệt mỏi.
Mặc dù đã được tại ngoại nhưng chú vẫn lo sợ những ngày tiếp theo. Sự việc vô tình kia có lẽ sẽ trở thành kí ức đen tối khó có thể xóa khỏi cuộc sống của chú.
Trong ánh mắt, cử chỉ của người thân và đồng đội chú Bình, tôi thấy được sự cố gắng để chú không còn nhớ đến chuyện đã qua. Những câu chuyện thời chiến được gợi lại phần nào giúp lòng người lính ấy được nhẹ nhõm hơn.
Ngay sau khi sự việc không muốn xảy ra, chú Bình trở nên khủng hoảng, không nhớ được nhiều về mọi thứ xung quanh. Xong, câu chuyện về đồng đội ở Sư đoàn F356 chú kể rõ từng chi tiết. 34 năm đã đi qua nhưng kỉ niệm ở Hà Giang năm ấy vẫn còn sống mãi trong tiềm thức người lính khổ cực. Chú không lãng quên một cái tên, một kỷ niệm dù vui hay buồn.
Ngày 02/03/1982, chú đến với C2D7F356 Trung đoàn 149 khi mới bước sang tuổi đôi mươi. Từ đây, năm tháng chiến đấu đã gắn bó với hành trình cuộc đời người lính trẻ.
Chú kể như thể đang sống lại những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội. Với chú và đồng đội của mình, ngày 12/07/1984 – ngày diễn ra trận chiến khốc liệt nhất tại mặt trận biên giới Hà Giang cũng trở thành ngày giỗ trận của Sư đoàn 356. Chỉ trong 1 ngày, 600 chiến sĩ đã hy sinh.
Kể đến đây, chú cúi đầu, im lặng. Tình đồng đội lại ùa về trong trái tim người lính già nhân hậu, chất phác...
Bộ quân phục màu xanh luôn được chú cất giữ chu đáo. Người lính già vẫn đang đếm từng ngày để được mặc quân phục, đeo phù hiệu đi đón Tết Quân đội, thắp hương cho những người bạn đã hy sinh trên chiến trường vào ngày 22/12 sắp tới.
Vợ chú kể tôi nghe về những người lính Vị Xuyên với đầy xúc cảm và lòng biết ơn. Rằng họ vẫn còn nặng tình đồng chí lắm! Đặc biệt là những người bạn thân từng gắn bó với chồng bà trên chiến trường.
4 năm 3 tháng chiến đấu trên mặt trận, tình đồng chí giữa những người lính trở nên sâu sắc. Và giờ khi đã trở về với cuộc sống không còn tiếng súng, khi hay tin chú Bình gặp nạn, những người lính một thời gắn bó chạy ngược xuôi để hỏi han, thăm nom. Chính họ đã cùng người đồng đội của mình đi qua khó khăn giữa thời bình.
Hôm nay, chú Bình đã tỉnh táo hơn, không còn run khi nói chuyện. Bắt đầu nhớ lại được những cái tên "quen thuộc" trước đây vẫn hay gọi. Duy chỉ có một điều, chú sợ mỗi khi nhắc đến từ… xích lô.
"- Thế mày không để tiền mua xe xích lô à?
- Thôi, bỏ!"
Chú lắc đầu và nói trong sợ hãi khi người hàng xóm cất tiếng trêu. Sự việc cũ tái hiện trước mắt người lính Vị Xuyên. Người chú run lên bần bật.
Ngó nghiêng thấy căn nhà trọ không có lấy chiếc giường lành lặn, chị gái chú bảo:
"- Mượn xích lô thằng Quyền sang nhà tao chở cái giường mà về!
- Thôi. Thôi!"
Lần này chú lắc đầu nhiều hơn khi nhắc đến từ "xích lô". Mọi thứ có liên quan đến sự việc kia đều đã ảnh hưởng, khiến chú sợ nhiều hơn...
Người lính trẻ với sức mạnh kiên cường bảo vệ Tổ quốc năm xưa giờ đây đang phải chịu nỗi sợ hãi, bứt rứt khó mà quên được. Lúc này, người lính trên chiến trường Vị Xuyên chỉ muốn được về quê, trồng lúa và trông cháu. Họ không còn muốn làm công việc liên quan đến xích lô hay những tấm tôn nữa… Cuộc sống có thể sẽ khó khăn hơn, bữa cơm có thể chỉ là rau với mắm, nhưng như thế mọi chuyện sẽ dễ dàng qua nhanh hơn.
Được trò chuyện với chú Bình, tôi mong mỏi và tin rằng, với tinh thần bất khuất của một người lính đã từng chiến đấu cho xương máu của dân tộc cùng sự hỗ trợ của gia đình và những người đồng đội bên cạnh, chú sẽ nhanh chóng đi qua quãng thời gian này, tiếp tục sống như cách mình đã sống trong những ngày tháng trước đó.
Song Trà