Kết nối Việt - Mỹ tìm kiếm thông tin liệt sỹ
Ngày 27/1/2023, tờ NorthJersey (Mỹ) đăng tải câu chuyện của cựu quân nhân có tên Peter Mathews (77 tuổi, ở New Jerey, Mỹ) khi đã lưu giữ cuốn sổ của người lính Việt Nam hơn nửa thế kỷ. Cuốn sổ khắc tên “Cao Xuan Tuat”.
Nội dung bài báo đăng tải, ông Peter Mathews tìm thấy cuốn sổ trong một chiếc ba lô của bộ đội Việt Nam tại trận địa Đăk Tô, Tây Nguyên (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, Việt Nam) vào tháng 11/1967. Đó là một cuốn sổ 93 trang, được bọc túi nilon cẩn thận.
Lần dở một số trang, Mathews nhận định cuốn sổ không phải là tài liệu quân sự mà có thể là một cuốn nhật ký cá nhân. Vì thế ông bỏ nó vào túi và theo ông trở về nước Mỹ. Về New Jersey (Mỹ), ông Peter Mathews kết hôn, lập gia đình và mở một doanh nghiệp ngành xây dựng. Cuốn sổ được ông Mathews lưu giữ trong một chiếc hộp trên gác mái căn nhà của ông ở Bergenfield, New Jersey suốt 56 năm qua.
Mathews không bao giờ quên được quyển sổ đặc biệt của người lính Việt Nam. Ông vẫn thường mang quyển sổ ra, kể lại câu chuyện về nó với người thân. Những tò mò về quyển sổ ghi chép sống lại trong tâm trí Mathews khi ông tình cờ nhìn thấy chiếc nón lá trong văn phòng khách hàng hơn một năm trước. Ông bắt chuyện, rồi biết người khách đó có hai con nuôi gốc Việt và từng thăm Việt Nam vài lần. Người khách sau đó đề nghị giúp ông dịch vài trang, làm sáng tỏ phần nào những bí ẩn đã đeo bám ông hơn nửa cuộc đời.
Sau cuộc gặp đó, Mathews bắt đầu chia sẻ một số trang trong quyển sổ lên mạng xã hội, hy vọng tìm thêm thông tin. Ông đã lập một website với mong muốn tìm kiếm các đầu mối liên hệ cũng như quay lại Việt Nam và tìm ra chủ nhân những dòng chữ cùng các bức vẽ minh họa khiến ông vô cùng ấn tượng, hay chí ít là trao lại di vật này cho thân nhân của người đó. Và rất nhiều đầu mối đã hỗ trợ ông lần tìm ra thông tin về chủ nhân cuốn sổ…
"Tôi cảm thấy như có gì đó thôi thúc mình tìm ra chủ nhân cuốn sổ", ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, kể việc tìm kiếm thông tin về người lính tên Cao Xuan Tuat trong cuốn nhật ký cựu binh Mỹ Peter Mathews lưu giữ.
Ông Tân cho hay, 10h50 ngày 30/1, ông Tân nhận điện thoại của phóng viên hỏi về động thái của tỉnh Hà Tĩnh sau khi một số báo dịch bài viết từ tờ North Jersey, nêu nội dung "Peter Mathews, cựu binh Mỹ 77 tuổi đang sống tại bang New Jersey giữ cuốn sổ ghi chép khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam, mong muốn tìm lại thân nhân của người có tên trong nhật ký là Cao Xuan Tuat ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh".
Ông Tân liên hệ với lãnh đạo huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh cùng một số sở ban ngành của tỉnh Hà Tĩnh nhờ rà soát, xem có tên liệt sĩ hoặc cựu binh nào Cao Xuan Tuat hay không. Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra dữ liệu dân cư từ năm 1921 đến nay, xác định không có ai tên là Cao Xuan Tuat. Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết có 36 liệt sĩ quê Kỳ Anh mang họ Cao, 9 liệt sĩ tên Tuất, trong đó một người họ Cao tên Tuất là Cao Văn Tuất ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, cùng quê nhưng khác tên đệm với Cao Xuan Tuat.
Ông Tân gửi email liên hệ với giáo sư Shannon Gramse, đang công tác tại Đại học Alaska (Mỹ) - người từng tiếp xúc trong chuyến công tác ở Hà Tĩnh dịp Tết Dương lịch 2023 nhờ kết nối. Giáo sư Shannon Gramse đã đồng ý kết nối với Peter Mathews và Burrow Megan – tác giả bài báo.
Nhờ sự hỗ trợ của giáo sư Shannon Gramse, ông Tân viết thư cho Peter Mathews và Burrow Megan: "Chúng tôi rà soát rồi, họ Cao rất ít, liệt sĩ tên Cao Xuan Tuat không có, tuy nhiên có một liệt sĩ là Cao Văn Tuất. Khả năng Cao Văn Tuất đúng là người mà ông bà cần tìm. Tôi cần đầy đủ các trang trong sổ ghi chép, biết đâu có thông tin chính xác hơn".
Ngày 31/1, ông Tân nhiều lần liên hệ qua email với Peter Mathews. Tuy nhiên, cựu binh đã lớn tuổi, không sử dụng thành thạo máy tính, mọi việc phải nhờ con gái. Việc gửi hình ảnh trang viết vì thế rất chậm, mỗi lần chỉ vài bức. Những lúc nhận được tư liệu gửi từ bên Mỹ về, ông Tân lưu lại cẩn thận, chuyển cho cơ quan chuyên môn tìm hiểu.
Hai người từ chỗ xa lạ trở nên như quen biết từ lâu, gọi video qua mạng xã hội trao đổi liên tục. Đến 21h12 cùng ngày, ông Tân nhận được bức ảnh chụp một trang trong sổ, ghi rõ địa chỉ gia đình Cao Xuan Tuat ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, hòm thư 21222Gm, có bố (viết tắt là C) tên Cao Xuân Kế, mẹ Lê Thị Vỹ, chị là Diếu. "Đọc xong, tôi lặng người vài chục giây vì thấy quá trùng khớp", ông Tân chia sẻ.
Ông Tân gọi điện cho ông Hà Huy Mỳ, 63 tuổi, trú thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân - người đang lo hương khói cho liệt sĩ Cao Văn Tuất, hỏi về địa chỉ nhà, tên thành viên trong gia đình liệt sĩ Tuất. Ở đầu dây bên kia, ông Mỳ trả lời khớp với tên những người có trong sổ ghi chép của Cao Xuan Tuat. Tất cả thông tin sau đó được báo cáo lên lãnh đạo tỉnh cùng các huyện, sở ngành liên quan.
Ngày 1/2, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh đến nhà ông Hà Huy Mỳ để xác minh. Tại đây, họ liên lạc với ông Nguyễn Tiến Huế, quê xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, đồng đội nhập ngũ cùng ngày với liệt sĩ Cao Văn Tuất, gửi nhiều hình ảnh chụp sổ ghi chép cho cựu binh này xem.
Sau vài tiếng, ông Huế gọi điện cho ông Tân phản hồi: "Tôi đã xem rất kỹ, đó là nét chữ của cậu Tuất". Ông Huế chia sẻ lớn lên với liệt sĩ Tuất nên hiểu tính yêu văn nghệ của bạn. Lúc đi bộ đội, thỉnh thoảng gặp nhau, anh Tuất thường cho xem những trang viết về thơ văn, nhạc họa nên ông Huế còn nhớ nét chữ.
Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã nhờ một nữ luật sư làm việc tại Mỹ đến nhà cựu binh Peter Mathews xin phép chụp lại toàn bộ sổ ghi chép. "Cuốn sổ có thể lưu giữ để làm tư liệu giáo dục truyền thống, góp phần xây dựng tình hữu nghị giữa Việt Nam và Mỹ", Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh nói.
Hi vọng tìm được phần mộ liệt sỹ hơn nửa thế kỷ
Cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp trích lục hàng trăm hồ sơ các cựu binh, liệt sĩ trên toàn tỉnh có họ Cao. Trong đó xác định có 36 liệt sĩ quê Kỳ Anh có họ Cao và 9 liệt sĩ quê Kỳ Anh có tên Tuất, nhưng duy nhất 1 người có họ Cao tên Tuất là Cao Văn Tuất (khác tên đệm), ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh với nhiều thông tin trùng khớp. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh trích lục thông tin quân nhân có một liệt sĩ tên là Cao Xuân Tuất, nguyên quán ở huyện Kỳ Anh. Hy sinh ngày 10/12/1967, nơi hy sinh là Trường Lâm, Hoài Nhơn, Bình Định.
Căn cứ vào dữ liệu trong sổ ghi chép, bản trích lục, hồ sơ lưu trữ, danh sách liệt sĩ cùng thông tin từ nhân chứng và thân nhân nói trên, cơ quan chức năng xác định, liệt sĩ Cao Xuan Tuat và liệt sĩ Cao Văn Tuất là một người.
Liệt sỹ Cao Văn Tuất (SN 1942), là con thứ hai trong gia đình ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân. Bố liệt sĩ là Cao Văn Kế, mẹ Lê Thị Vỹ (đã mất). Chị gái đầu Cao Thị Diếu, em gái thứ ba Cao Thị Nồng (đang sống tại thôn Cao Thắng, em gái út Cao Thị Nành (đã mất). Anh Tuất nhập ngũ năm 1963, tham gia các chiến trường từ miền Trung đến Tây Nguyên, hy sinh năm 1967, an táng tại một nghĩa trang ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
“Khi nhìn thấy bức ảnh có ghi tên họ, người thân, địa chỉ của cậu Tuất, tôi không kìm được nước mắt. Bức ảnh có tên bố, mẹ, chị của cậu Tuất và địa chỉ ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân. Tôi không ngờ quãng thời gian dài đằng đẵng như vậy mà giờ đây được tận mắt xem kỷ vật của cậu”, ông Hà Huy Mỳ, con trai bà Cao Thị Diếu, cháu của liệt sĩ Cao Văn Tuất ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, bật khóc.
Sau khi nhận được thông tin xác định chính xác danh tính, thân nhân của liệt sỹ Cao Văn Tuất, ông Tân đã lập tức gửi thư cho Peter Mathew. Ông Peter Mathews đã bật khóc và mong muốn được sang Việt Nam tận tay trao trả cuốn nhật ký cho thân nhân gia đình liệt sỹ Cao Văn Tuất, khép lại quá khứ về cuộc chiến tranh đau thương đã đeo bám ông suốt nửa thế kỷ.