Vào ngày 13 và 14/8, Owen sẽ có dịp gặp gỡ và giao lưu với người hâm mộ tại Việt Nam thông qua lời mời của một doanh nghiệp sàn giao dịch.
Ngoài ra, chuyến đi này còn là dịp để ngôi sao bóng đá một thời có thể tìm kiếm những tài năng bóng đá trẻ, bàn thảo về kế hoạch xây dựng một học viện bóng đá theo tiêu chuẩn quốc tế và giới thiệu thương hiệu thời trang của Michael Owen.
Ở thời điểm hiện tại, ngoài việc chăm lo cho gia đình, Michael Owen có nhiều hoạt động trong vai trò bình luận viên, nhà đầu tư ở môn đua ngựa, bất động sản, công nghệ,…
Tuy nhiên, bóng đá vẫn là niềm đam mê lớn nhất của anh. Được biết, trong 3 năm qua, Michael Owen đã trực tiếp đầu tư và hợp tác với một số cơ sở đào tạo tại Hồng Kông, Trung Đông...
Vốn xuất thân là con nhà nòi, Michael Owen là con trai của cựu cầu thủ Terry Owen. Có cha là thành viên của câu lạc bộ Everton, một đội bóng vùng Merseyside nên ngay từ khi còn nhỏ, Michael Owen đã kế thừa niềm đam mê bóng đá mãnh liệt.
Nhận thấy những tố chất từ con trai, Terry Owen đã dồn hết tâm sức nhằm hoàn thiện kỹ năng chơi bóng cho con trai. Và không phụ sự kỳ vọng, Michael Owen bộc lộ tài năng từ rất sớm. Năm 1996, khi mới 17 tuổi, anh bắt đầu sự nghiệp tại câu lạc bộ Liverpool.
Cũng chính năm đó, chàng trai trẻ tuổi này đã khiến mọi người kinh ngạc khi trở thành vua phá lưới với 18 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên của mình ở giải đấu Premier League.
Chỉ một thời gian sau mùa giải bắt đầu sự nghiệp, anh đã giành danh hiệu Chiếc giày vàng ngoại hạng Anh và Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất nước Anh. Thành tích ghi bàn ấn tượng của Michael Owen phải nhắc đến ở mùa giải World Cup 1998. Với bàn thắng kinh điển vào lưới Argentina đã khiến Owen trở thành hiện tượng của làng túc cầu thế giới.
Những năm tháng tiếp theo đó, Owen trở nên nổi tiếng cả trong và ngoài nước. “Sát thủ” của Liverpool 2 lần liên tiếp giành danh hiệu Vua phá lưới ở Premier League. Thành công đó đã giúp Owen được tôn vinh với phần thưởng Quả bóng vàng châu Âu năm 2001. Với phong cách đặc biệt, Owen đã đưa Liverpool thăng hoa trong suốt từ năm 1997 đến 2004.
Khi nói về anh, người hâm mộ luôn nhắc tới hai từ “giá như”. Bởi, giá như Michael Owen không rời Liverpool để đến Tây Ban Nha thì có lẽ sự nghiệp của anh sẽ còn vang dội hơn nữa. Mùa hè năm 2004, Owen quyết định bỏ lại sau lưng những năm tháng nhiều ân tình với sân vận động Anfield để bắt đầu chuyến phiêu lưu ở thành Madrid.
Ở Bernabeu, Owen được trao cho chiếc áo số 11 của Alfredo di Stefano, song anh chẳng bao giờ được xem trọng và thành công như huyền thoại kia. Anh chỉ có thể trụ lại ở Tây Ban Nha đúng 1 mùa giải trước khi quay trở về chốn cũ Premier League trong màu áo Newcastle sau khi Los Blancos mua bộ đôi tiền đạo người Brazil Robinho - Julio Baptista năm 2005.
Chắc chắn rằng trong cuộc đời mình, một trong những điều sai lầm nhất của Owen là chấp nhận đến Real Madrid. Những chấn thương, áp lực và sự ruồng rẫy của Real Madrid khiến anh gặp khủng hoảng. Sau 4 năm, Owen quyết định ra đi và đầu quân cho MU, nhưng chấn thương cũ vào World Cup 2006 đã không ngừng hành hạ anh.
Năm 2012, Michael Owen tuyên bố giải nghệ. Viết trên trang Twitter cá nhân của mình, chàng cầu thủ sinh năm 1979 đã khẳng định: “Nếu có cơ hội tốt không đến với mình, tôi sẽ chấp nhận việc từ bỏ sự nghiệp thi đấu. Trong giai đoạn này của sự nghiệp, tôi muốn làm những việc mà mình thích....Tôi thực sự cảm thấy bản thân vẫn còn khả năng thi đấu đỉnh cao như những năm qua. Ở tuổi 38, tôi tin bản thân mình còn đủ khả năng thi đấu đỉnh cao thêm vài năm nữa”.