Nếu không có sự vào cuộc thần tốc của cả hệ thống chính trị sẽ không có được 30 khu cách ly như hiện nay với sức chứa lên đến hơn 7.000 người. Ngoài ra còn hàng trăm người thuộc nhiều bộ phận liên quan chăm sóc sức khỏe, phục vụ cơm, nước cho các lực lượng tham gia “chiến dịch” mà Chí Linh chưa một lần thử sức này.
BS Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng cục Quản lý môi trường Y tế, bộ Y tế, kể về những ngày không quên trong chiến dịch “khoá chặt” ổ dịch và thực hiện cách ly phong tỏa TP.Chí Linh theo Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ. 12h ngày 28/1/2021, lệnh phong tỏa toàn TP.Chí Linh có hiệu lực. Các chốt kiểm soát dịch được dựng lên. Người dân phải thực hiện khai báo y tế, Chí Linh trong cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Lúc này, các lực lượng chi viện của bộ Y tế “cắm chốt” tại Chí Linh như BS.Dương Chí Nam, BS Hoàng Minh Đức - Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng; ông Trần Anh Thành - Trưởng phòng Quản lý sức khỏe lao động thuộc cục Quản lý môi trường Y tế chia nhau mỗi người một việc, túa đi các hướng.
Thời gian không cho phép họ được chậm trễ. “Những ngày đầu các cán bộ chi viện của bộ Y tế cùng lãnh đạo TP.Chí Linh, trong 1 ngày thiết lập 8 khu cách ly. Tôi còn nhớ, trong 1 đêm, 700-800 người bao gồm nhiều lực lượng đồng loạt ra quân. Cả TP.Chí Linh khi đó vào cuộc đúng nghĩa là thần tốc, quyết thắng. Chỉ trong thời gian ngắn, đến nay thành phố này có 30 điểm cách ly tập trung, gần 7.000 người đang thực hiện cách ly”, BS.Dương Chí Nam nói.
Chiến tuyến khu cách ly là mặt trận rất quan trọng. Trong những ngày qua, một khối lượng công việc đồ sộ được lực lượng chi viện của bộ Y tế cùng cả hệ thống chính quyền TP.Chí Linh hoàn thành. Để thiết lập một khu cách ly, cần phải khảo sát kỹ các điều kiện gồm phòng ở, nhà tắm, khu vệ sinh, trang thiết bị cơ bản đi kèm đến những vật dụng đơn giản như bàn chải đánh răng, tấm chăn ấm cho những đêm gió lùa…hệ thống thoát nước, xử lý rác thải sinh hoạt…đều phải theo đúng quy định đạt chuẩn của bộ Y tế ban hành.
“Tổ chức cách ly phải khoa học, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch trong khu, rồi chăm sóc sức khỏe cho người dân ra sao đều được tính toán đến từng chi tiết”, BS. Dương Chí Nam cho hay.
Với số lượng người F1, F2 cần phải cách ly tập trung lớn, lo sức khỏe cho người dân trong khu cách ly để họ yên tâm cùng với chính quyền đồng lòng chống dịch được lượng lượng cắm chốt bộ Y tế điều phối với TTYT TP Chí Linh và sở Y tế Hải Dương, để mỗi khu cách ly phải có ít nhất 1 tổ y tế ứng trực, thăm khám bệnh thông thường và xử lý những ca cấp cứu ban đầu.
BS.Nguyễn Xuân Đương, bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hải Dương thuộc tổ y tế ứng trực tại điểm cách ly đại học Sao Đỏ, cho biết: “Sáng 8/2, tại khu cách ly có trường cháu bé tiền sử viêm phế quản mạn, bé mắc bệnh bại não. Trong khi mẹ cho bé uống sữa thì bất ngờ bé bị sặc sữa. Nhận được thông tin, các thầy thuốc tiếp cận bé đã có biểu hiện ngừng tim, ngừng thở. Ngay lập tức, các cán bộ y tế thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay. Sau cấp cứu tim của bệnh nhi đã được đập trở lại và thở lại. Đội cấp cứu đang ứng trực tại Trạm Y tế phường Thái Hòa đã kịp thời có mặt đưa bé đến bệnh viện tuyến trên cấp cứu”.
Được biết, đây là lần đầu tiên TP.Chí Linh thực hiện phong tỏa và cách ly số lượng người rất lớn. Chỉ riêng công ty Poyun trong 1 đêm đưa đi cách ly 2.000 công nhân đến các khu cách ly tập trung an toàn đó phải nói là sự “phi thường” của cả hệ thống chính trị địa phương. Tổ giám sát với các thành viên đến từ Cục YTDP, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế từ tỉnh đến xã, phường để tiến hành truy vết, khoanh vùng, giám sát các mốc dịch tễ của gần 7.000 người, trong một thời gian ngắn, đó phải nói là một con số kỷ lục.
"Trong khi nhân lực thiếu, nguồn lực cũng có giới hạn. Đến hôm nay, khi tình hình Chí Linh đã cơ bản được kiểm soát, chúng tôi mới nhẹ nhõm được phần nào!”, ông Đức nói.
Lê Liên