Ký ức của người lính già
Những ngày cuối tháng Tư, khi cả nước rộn ràng hướng về lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), tại tỉnh Đắk Lắk, một câu chuyện giản dị nhưng vô cùng xúc động đã lan truyền nhanh chóng và chạm đến trái tim nhiều người.
Đó là hành trình nghĩa tình của cựu chiến binh Nguyễn Văn Tính (75 tuổi, trú tại phường Khánh Xuân, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), một mình điều khiển xe máy vượt hơn 330km để trở về Tp.HCM tham dự đại lễ.
Từng là trung đội trưởng, mũi trưởng đơn vị hỏa lực thuộc Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, đóng quân tại Kon Tum, ông Tính từng tham gia nhiều trận chiến khốc liệt trong kháng chiến chống Mỹ.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tính luôn nhớ về những người đồng đội năm xưa.
Tháng 10/1974, đơn vị ông nhận lệnh lên kế hoạch chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột. Một tháng sau đó, ông cùng đồng đội hành quân băng rừng từ Kon Tum về Buôn Ma Thuột.
"Suốt 27 ngày ròng rã, chúng tôi hành quân băng rừng, lội suối, ăn nắng, nằm sương, liên tục để tiếp cận Buôn Ma Thuột, anh em trong đơn vị phải ăn nắng, nằm sương. Chưa kể, muỗi và vắt rừng nhiều vô kể làm nhiều người bị sốt rét nhưng không ai nản chí, quyết tâm giải phóng Buôn Ma Thuột bằng mọi giá", ông Tính kể.
Ông Tính nhớ, ngày ấy quận lỵ Đức Lập (tỉnh Quảng Đức cũ – nay là huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) là tuyến phòng thủ Tây Nam Buôn Ma Thuột, lá chắn mạnh của địch nên quân ta chọn đây là điểm tấn công mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên.

Bà Phạm Thị Kim Sen (vợ ông Tính), chuẩn bị đồ cho ông trước khi lên đường chạy xe máy về Tp.HCM.
Rạng sáng 9/3/1975, ông Tính cùng đồng đội đã bí mật hành quân tiếp cận Đức Lập (tỉnh Quảng Đức cũ – nay là huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) là tuyến phòng thủ Tây Nam Buôn Ma Thuột, chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công. Đúng 5h55 cùng ngày, bộ đội chủ lực của ta phối hợp với bộ đội địa phương và lực lượng du kích của huyện Đức Lập đã đồng loạt nổ súng đánh vào quận lỵ Đức Lập.
Tại đây, quân ta chia thành nhiều mũi tấn công, khiến địch không kịp trở tay. Sau hơn 3 giờ chiến đấu quyết liệt, quân ta đã chiếm được trận địa sở chỉ huy Đức Lập, phá tan tuyến phòng thủ phía Nam của Buôn Ma Thuột.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến dịch Tây Nguyên, tháng 4/1975, đơn vị của ông được lệnh hành quân về Sài Gòn để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Tại đây, đơn vị của ông là một trong 5 mũi chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn (Tp.HCM ngày nay) cho đến ngày toàn thắng.
Ông Tính không khỏi xúc động: "Ngày ấy, trên đường hành quân vào Sài Gòn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ai nấy đều mang trong mình khí thế sục sôi. Chúng tôi chỉ có một niềm tin duy nhất là phải tiến lên. Thế nhưng, nhiều đồng đội của tôi đã không thể đi hết chặng đường ấy.
Có người ngã xuống khi còn cách Sài Gòn chỉ vài chục cây số. Có người hy sinh ngay trong những ngày chiến dịch đang diễn ra, khi mà khoảnh khắc toàn thắng chỉ còn trong gang tấc. May mắn được trở về sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và nhiều lần tự hỏi tại sao mình sống sót đến bây giờ? Suốt 50 năm qua, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời".

Sau nửa thế kỷ, ông Tính vẫn giữ bên mình những kỷ vật của thời chiến tranh.
Sống để nhớ ơn
Chưa đầy một tháng trước, ông Tính được xuất viện sau gần 2 tuần điều trị bệnh thoái hóa đĩa đệm và đau thần kinh tọa. Việc đi lại của ông hiện nay rất khó khăn, bác sĩ khuyên ông nên ở nhà để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.
Thế nhưng, khi nhận được thư mời từ Quân đoàn 3 tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tổ chức tại Tp.HCM, ông đã lập tức nhận lời mà không một chút đắn đo.
Ông chia sẻ: "Khi nhận được thư mời, tôi thực sự bất ngờ. Cả Quân đoàn 3 có đến hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh, vậy mà không hiểu vì sao họ lại gửi đúng về địa chỉ nhà tôi. Điều đó khiến tôi cảm thấy vô cùng xúc động.
Đây là cuộc hội ngộ lớn của cả dân tộc, được Đảng và Nhà nước chuẩn bị suốt thời gian dài. Nếu không đi lần này, có lẽ tôi sẽ không còn cơ hội nào nữa. Đây cũng có thể là chuyến đi cuối cùng trong đời mà tôi còn đủ sức để thắp một nén nhang cho đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc".

Chiếc xe máy cũ đồng hành cùng ông Tính trên chặng đường vượt hơn 330km về Tp.HCM.
Cũng theo lời ông Tính, ngày 24/4, xe của Quân đoàn 3 đã đến tận nhà đón ông vào Tp.HCM dự lễ. Tuy nhiên, ông từ chối và quyết định tự đi bằng phương tiện quen thuộc suốt bao năm qua là chiếc xe máy cũ.
Với ông, đây không chỉ là chuyến đi để dự đại lễ mà còn là hành trình tri ân. Trên suốt chặng đường dài hơn 330km, ông muốn được chủ động dừng lại ở bất kỳ nghĩa trang nào, bất cứ nơi nào có đồng đội nằm lại, để thắp nén hương tưởng nhớ.
Ngày 25/4, sau khi xuất phát từ Tp.Buôn Ma Thuột, ông đã dừng lại tại các nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) và nhiều địa điểm khác dọc đường, những nơi ông đã từng tham gia chiến đấu. Mỗi lần đi ngang qua một nghĩa trang, trái tim ông lại nghẹn lại khi nhớ về những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ.
"Chúng tôi từng hứa với nhau, nếu ai còn sống, phải thay phần những người đã ngã xuống sống cho tử tế, sống để nhớ ơn...", ông Tính nghẹn ngào.
Khoảng 18h cùng ngày, sau hành trình dài, ông đã có mặt tại Tp.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) để ghé thăm một đồng đội cũ. Dự kiến, vào chiều 26/4, ông sẽ có mặt tại Nhà khách Quân khu 7 (Tp.HCM) để chuẩn bị tham dự đại lễ.

Với ông Tính, đây không đơn thuần là chuyến đi dự đại lễ, mà là hành trình tri ân những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho biết, quá trình sinh sống tại địa phương, ông Nguyễn Văn Tính và người thân trong gia đình rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng hiện nay ông vẫn là thành viên của tổ an ninh cơ sở của phường.
Sau khi nắm được thông tin ông Tính một mình chạy xe máy về Tp.HCM để dự đại lễ chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lãnh đạo địa phương đã dặn ông phải đảm bảo sức khỏe trên hành trình đi. Khi đi đến từng địa bàn để thăm lại đồng đội, chiến trường xưa, ông đều điện về cho mọi người yên tâm. Chuyến đi của ông Tính là một hành trình hết sức có ý nghĩa, góp phần lan tỏa, khơi dậy tinh thần yêu nước, không ngại khó, ngại khổ cho các thế hệ trẻ. Qua đó, cũng góp phần nhắc nhớ sự hy sinh, công lao to lớn của các bậc cha anh để giành lại độc lập, hòa bình cho đất nước hôm nay.
Khánh Ngọc