Chiều 28/8, HĐXX của TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX).
Giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT PVTEX, bị cáo Trần Trung Chí Hiếu bị truy tố làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quyết định lựa chọn nhà thầu, thực hiện Dự án không đủ năng lực, kinh nghiệm, đồng ý thay đổi thiết kế đã được phê duyệt.
Chưa hết, bị cáo Hiếu còn để nhà thầu triển khai thi công khu nhà ở từ nhà chung cư thành nhà liền kề, cố ý làm trái quy định Nhà nước về tạm ứng trong hợp đồng xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo cán bộ dưới quyền làm thủ tục tạm ứng 20 tỷ đồng cho PVC.KBC (công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc) trái quy định pháp luật.
Liên quan đến Hợp đồng số 14/2010 về việc lập dự án đầu tư thi công xây dựng gói thầu lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng giai đoạn I Dự án nhà ở, bị cáo Hiếu trả lời không trực tiếp tham gia thương thảo.
Chủ trương xây dựng nhà ở cho công nhân viên là từ Tập đoàn. “Khi PVN có chủ trương xây dựng nhà ở cho công nhân viên, PVN hỗ trợ xin cấp đất và các thủ tục liên quan”, bị cáo Hiếu trình bày.
Cũng theo lời khai của bị cáo Hiếu thì Tập đoàn có nghị quyết cho công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) chỉ định thầu. “Theo quy định của tổ chức hành chính, PVTEX là công ty con của PVN. Ở thời điểm đó, khi đã chỉ định thầu thì vẫn phải mời thầu và phải có hồ sơ”, bị cáo Hiếu nói.
Nói về mối quan hệ với Vũ Đình Duy (nguyên TGĐ PVTEX), bị cáo Hiếu cho rằng, về chức vụ cũng không rõ ai có quyền hạn lớn hơn bởi cả 2 đều là người đại diện phần vốn góp của PVN tại PVTEX. Bị cáo Hiếu đại diện 36% phần vốn góp, Vũ Đình Duy đại diện 20%”.
Tiếp đến, Trần Trung Chí Hiếu khẳng định, không đàm phán với Đỗ Văn Hồng - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC). Khi thành lập PVTEX Kinh Bắc, bị cáo Hiếu nói có xuống nhà máy 2 lần thì 1 lần gặp bị cáo Hồng.
Về nội dung thay đổi thiết kế dự án, bị cáo Hiếu nói “Ban điều hành thực hiện thay đổi thế nào, tôi không nắm được bởi khi đã ký hợp đồng, cá nhân tôi không được báo cáo về vấn đề đó”.
Nói về công ty HEERIM.PVC, đại diện theo ủy quyền của CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cho biết, HEERIM-PVC là công ty liên kết của PVC chứ không phải là công ty con của PVC.
Trong đó, Giám đốc của HEERIM-PVC là người đại diện phần vốn góp của PVC tại công ty. Tuy nhiên, trả lời trước HĐXX, vị đại diện của PVC lại cho hay: “Hiện công ty HEERIM-PVC chuyển đi đâu chúng tôi không biết”.
Khi được hỏi về tính hiệu quả của phần vốn góp của PVC tại HEERIM-PVC, vị đại diện này cho biết: “Chưa thể khẳng định phần vốn góp này là hiệu quả hay không hiệu quả. Công ty này và PVC là hai pháp nhân khác nhau.”
Ngoài HEERIM-PVC, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí dưới thời Trịnh Xuân Thanh còn góp 2,5 tỷ đồng để nắm giữ 15,67% vốn cổ phần tại PVC.KBC, đồng thời cử người đại diện phần vốn tại công ty liên kết này.
Đại diện của PVC cho hay, đối với hợp đồng gói thầu “Lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây lắp Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên” của PVTEX, PVC “không có liên quan gì”.
Do thời gian làm việc buổi chiều đã hết, ngày mai, 8h30, HĐXX tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.