Chiều ngày 25/12, phiên toà phúc thẩm "chuyến bay giải cứu" với phần xét hỏi tiếp tục diễn ra. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao) kháng cáo, xin tòa xem xét không kê biên căn hộ mẹ bị cáo đang ở để khắc phục hậu quả.
Hương Lan giải thích, tuy căn hộ đứng tên của bị cáo nhưng thực chất là tiền của bố mẹ bị cáo mua từ năm 2010 và sinh sống từ năm 2015.
"Mẹ bị cáo có đơn xem xét vấn đề này, còn mọi tài sản khác bị cáo đều xin được khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, bị cáo đề nghị xem xét lại tình tiết tăng nặng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Bởi, bản thân không gây khó khăn cho doanh nghiệp để nhận tiền", Lan nói.
Về các tình tiết giảm nhẹ, bị cáo có nhắc đến việc nhận được nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình công tác và chống dịch.
Tuy nhiên, lập tức HĐXX phản bác và đưa ra câu hỏi: Bị cáo nhận tiền từ 12/2020, trong khi giấy khen về công tác phòng chống dịch thì xứng đáng không? Ăn năn hay không thể hiện ở đây?
Sau câu hỏi của HĐXX, bị cáo im lặng một hồi.
Tiếp đó, HĐXX tiếp tục hỏi về số tiền hơn 25 tỷ đồng nhận hối lộ đã được bị cáo sử dụng thế nào?
Bị cao Lan cho biết không nhớ mình đã nhận bao nhiêu nên đồng ý với cáo trạng, đồng thời chi tiêu cho sinh hoạt, cá nhân hết. “Hiện gia đình bị cáo không còn 1 đồng nào để khắc phục”, bị cáo khai.
HĐXX cho hay, đây là số tiền rất lớn, các tài sản của bị cáo bị đem ra kê khai đều được mua từ trước khi bị cáo nhận tiền trong vụ án. Bị cáo nói không nhớ số tiền thì thành khẩn hay không là ở đây – HĐXX tiếp tục lặp lại vấn đề.
HĐXX đưa vấn đề: “Từ phiên sơ thẩm bị cáo mới chỉ khắc phục 1,2 tỷ đồng, đấy là con số quá nhỏ so với số tiền ngoài 20 tỷ bị cáo đã thừa nhận. Trong khi các bị cáo khác hầu hết đã phục đủ hoặc gần đủ thì thì duy nhất bị cáo khắc phục như vậy".
HĐXX cho biết: "Sẽ xem xem thái độ thành khẩn và khắc phục vụ án trong phần nghị án".
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức thực hiện 772 chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về nước, trong đó 400 chuyến bay giải cứu và 372 chuyến bay combo. Với cương vị của mình, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan có hành vi nhận hối lộ trong quá trình cấp phép “chuyến bay giải cứu”.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan được giao quản lý, phụ trách toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay, trực tiếp báo cáo bị can Tô Anh Dũng, khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao duyệt, ký công văn đề xuất cho các doanh nghiệp thực hiện các “chuyến bay giải cứu”.
Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, có 8 cá nhân đại diện các doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhờ và được bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ trong việc cấp phép chuyến bay.
Cáo trạng xác định, trong quá trình cấp phép các “chuyến bay giải cứu”, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan đã 32 lần nhận hối lộ của 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng (gồm 20,2 tỷ đồng và 210.000 USD). Ngày 17/4, gia đình bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan đã nộp 900 triệu đồng để khắc phục hậu quả.