Chuyện tình lần đầu công bố
Từ một chàng trai 15 tuổi cho tới khi đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời, điều mà cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn luôn trân quý chính là tổ ấm gia đình. Trong câu chuyện của ông, luôn xuất hiện hình bóng người vợ và những đứa con thơ – hậu phương vững chắc giúp ông thành công và thành danh...
Năm 1968, chàng trai Đặng Gia Mẫn xuất sắc đoạt giải 3 Toán miền Bắc. Rồi cũng trong những ngày ấy, đội bóng nhà máy dệt về tập huấn ở Nam Định, thấy chàng trai tên Mẫn đá bóng giỏi đã ngỏ ý tuyển vào đội trẻ, vừa làm công nhân vừa đi đá bóng. Thế nhưng, cùng thời gian đó, Mẫn có giấy gọi của trường ĐH Sư phạm Vinh vào lớp chuyên Toán của Bộ. Cái duyên với bóng đá chuyên nghiệp vì thế tạm thời “đứt đoạn”.
Trong những ngày tháng cần mẫn với Toán học cùng niềm đam mê bóng đá, chàng trai tên Mẫn gặp được ý trung nhân của cuộc đời.
“Hôm ấy tôi xem danh sách các bạn cùng lớp với mình. Có một cô gái sinh ngày 18/8, còn mình sinh ngày 19/8. Cô ấy lại có cái mũi dọc dừa thật xinh. Tôi nghĩ, giá mà 2 người kết hợp được với nhau, sau này làm sinh nhật tiết kiệm được”, ông dí dỏm kể lại.
Sau 3 năm theo đuổi, chàng trai đã tán đổ cô gái cùng lớp, thích đọc sách và yêu văn học Nga bằng 2 bài tản văn trên báo tường của sinh viên khoa Toán ĐH Vinh.
“Chú là sinh viên cá biệt, hay trốn học đi đá bóng. 3 năm sau đấy, người ta mới hiểu ngoài sự cá biệt, tự do thì chú là một con người nhân hậu và tử tế”, ông vui vẻ chia sẻ.
Yêu Toán, thích làm thầy giáo nhưng lại có duyên với bóng đá, sau rất nhiều lần từ chối, bóng đá chuyên nghiệp mới có thể “lôi” thầy giáo Mẫn khỏi bục giảng để đứng trên sân cỏ.
Ngày biết chồng chuyển sang bóng đá chuyên nghiệp, người vợ khi ấy là giáo viên cấp 3 Lam Sơn sốc mất một thời gian. Thế nhưng, mọi thứ rồi cũng dần ổn định. Kể từ ngày gắn bó với bóng đá, ông được hưởng chế độ tốt hơn, cuộc sống của vợ con phần tươm tất hơn.
Sau những năm tháng miệt mài với trái bóng, ông cùng đồng đội của mình ở đội Công nghiệp Hà Nam Ninh đoạt Cup quốc gia vào năm 1985. Với ông, đây không chỉ là điểm nhấn trong sự nghiệp cầu thủ mà còn chính là sợi dây niềm tin để gia đình tiếp tục ủng hộ sự nghiệp “quần đùi, áo số” của ông.
Tóp mỡ gửi vợ ăn Tết và chiếc quần từ đôi tất cầu thủ cho con
Nhấp ngụm trà, hít một hơi thuốc thật dài ông tiếp tục mạch câu chuyện...
Từng đứng trên đỉnh vinh quang với những phút giây không thể quên, nhưng cuộc đời cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn không hào nhoáng, cũng chẳng bóng bẩy như người ta vẫn tưởng tượng.
Vô địch quốc gia xong, ông cũng như bao cầu thủ của đội Công nghiệp Hà Nam Ninh trở về với cuộc sống bình thường.
Ngày ấy, cả thành phố Nam Định có nghề bóc lạc lấy vỏ để đun, và có chút tiền công. Nhà nào nhà nấy, lạc chất kín nhà. Ngoài ra, Nam Định còn có nghề đan len, dệt len khá nổi tiếng. Ngoài những lúc ông đá bóng hay vợ ông đi dạy cả hai lại miệt mài dệt len kiếm tiền nuôi. Với ông, quãng thời gian 5-7 năm ấy tuy gian khó nhưng hạnh phúc vô cùng.
“Cô chú tiết kiệm mãi mua được cái máy dệt len nửa chỉ vàng. Chú đi tập về mồ hôi mồ kê túa ra, thấy chiếc máy để không là ngồi vào dệt say sưa. Cô đi dạy về, cạch chiếc chân chống xe đạp rồi lại ngồi thế chỗ chú dệt tiếp. Hai vợ chồng thay nhau như làm ca làm kíp”.
Thời đó, dệt len thu nhập cao hơn cả lương giáo viên và cầu thủ. Không chỉ dệt khéo, người vợ của cựu danh thủ năm ấy còn đan len giỏi. Cô học lỏm mẫu mã, thiết kế rồi dệt áo đem ra chợ bán. Chính công việc đó giúp gia đình nhỏ của ông có thêm cái tủ lạnh, xây được cái nhà mái bằng... Nhưng rồi cũng có những lúc khó khăn. 365 ngày thoăn thoắt thoi đưa. Tết đến!!!
“Cuộc sống ngày thường còn khó khăn nói gì đến Tết”, ông nói. Giai đoạn đó cả đất nước còn ở thời kỳ bao cấp, của cải vật chất hiếm hoi, mọi người ăn những cái Tết thật giản dị.
Với ông, Tết năm nay rất khác với cái Tết của 30 năm trước, thời điểm ông còn khoác áo đội bóng Công nghiệp Hà Nam Ninh, còn vợ con tít tận Thanh Hóa.
Ông nhớ mãi những ngày giáp Tết năm 1983, cụ Toát làm nghề đạp xích lô, cũng là bố của danh thủ Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Sỹ đã tìm mua 1 con lợn của nông trang hay hợp tác xã nào đó, rồi tự mang về nhà thịt, chia cho cả đội bóng.
Ngày ấy, có mấy cân thịt lợn quý lắm. Việc bảo quản thịt với những người sống ở TP.Nam Định đơn giản, còn với người ở xa như ông Mẫn thì thật khó.
Thịt thì ông kho còn mỡ thì rán. Tóp cất đi, phần mỡ ông đổ vào lọ thủy tinh mang về quê cho vợ con. Nhưng mỡ rán xong rất nóng rót vào thì lọ thủy tinh bị vỡ. Thế là chỉ còn tóp mỡ mang về ăn Tết với vợ con... Giờ nghĩ lại những kỷ niệm đó ông vẫn rưng rưng.
Ngoài việc lo ăn hàng ngày, sắm sửa để “no 3 ngày Tết”, những người làm cha, làm mẹ như ông cả năm vất vả còn mong có tấm áo mới cho con mỗi độ Xuân về. Nhưng cuộc sống những năm tháng ấy cũng không dư dả gì nhiều.
“Tết đến, thực sự không phải lúc nào cũng có tiền mua quần áo mới cho con. Tôi đã lấy cái tất của cầu thủ, có 3 cái gạch kẻ ngang, xoay ra khâu lại thành cái quần cho Phương Nam và Thanh Phương diện Tết, dù cái quần đó không đẹp được như quần thể thao bây giờ.
Bà xã tôi đan len rất giỏi, tôi thì biết khâu vá. 2 vợ chồng tôi cắt những tấm khăn bình thường, tự khâu thành chiếc áo choàng. Đó là một chiếc áo trắng trông dễ thương lắm, chẳng kém gì những chiếc áo mới của các bạn hàng xóm. Giờ tôi vẫn giữ được bức ảnh Phương Nam mặc chiếc áo đó.
Bao nhiêu cái Tết cứ thế qua đi. Những người con của ông đã trưởng thành từ tình cảm, chắt chiu, nâng niu của bố mẹ như thế...
Phượt lão gia và hành trình mang cơm có thịt đến với trẻ vùng cao
Có lẽ, chàng trai năm ấy và bây giờ khác một điều là đã bị thời gian đánh cắp đi tuổi xuân nhưng sự nhiệt huyết với đời vẫn chảy trôi trong con người ông. Không chỉ yêu Toán, giỏi đá bóng, cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn còn là một người có tấm lòng vô cùng nhân hậu. Ông là thành viên tích cực của FC Cơm có thịt.
“Chú vừa giao nốt 50 cuốn lịch cho khách. Riêng năm nay, chú bán được gần 500 cuốn lịch tường và lịch bàn. Chỉ 50 nghìn/1 cuốn lịch thôi, là bạn đã tặng 5 bữa ăn có thịt cho trẻ vùng cao”, giọng ấm áp, ông say sưa nói về công việc thiện nguyện mình đang làm những ngày cuối năm.
Năm 1996, nhiều người vô cùng bất ngờ khi ông đang huấn luyện đội trẻ của sở Thể dục Thể thao tỉnh Nam Định lại quyết định quay lại với nghề dạy học ở trường Lương Thế Vinh và phụ trách giải bóng đá trong trường. Cũng kể từ đó, ông bén duyên với các hoạt động thiện nguyện.
Được một người bạn rủ đi Tây Bắc 1 - 2 chuyến, thấy cuộc sống những con người nơi mảnh đất xa xôi của đất nước cần được giúp đỡ, ông đã quyết định góp sức mình cho quỹ trò nghèo vùng cao.
“Người ta cần một người phát sữa, phát gạo, áo ấm cho trẻ em, mình không có nhiều tiền, nhưng mình có sức, có thời gian, có thể viết bài tuyên truyền”, ông nói.
Cư dân mạng vẫn gọi ông là “Phượt lão gia”. Mỗi chuyến đi vùng cao làm từ thiện, đều để lại những “ám ảnh”, day dứt, khiến ông luôn muốn gắn bó với công việc này.
“Cách đây 3 năm, tôi theo đoàn thiện nguyện phát áo ấm ở Mường Nhé (Điện Biên). Chỉ còn vài chục km nữa thôi là đến A Pa Chải, trên đường quay về, chúng tôi bắt gặp các em bé chưa đi học cởi trần, cởi truồng trong thời tiết vô cùng lạnh giá. Hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi suốt, khi trên xe không còn chiếc áo quần nào. Chúng tôi rút kinh nghiệm, những chuyến sau phải có quần áo dự phòng loại bé khi vào vùng sâu vùng xa. Trở về, tôi gom được quần áo cũ của học sinh liền gửi ô tô lên các câu lạc bộ bóng đá ở Điện Biên nhờ họ phát hộ. Sau đó, tháng nào tôi cũng gửi quần áo cỡ nhỏ nhờ một anh làm ngành điện đưa lên”.
Kết thúc câu chuyện của bóng đá, từ thiện... ông Mẫn vuốt ve những khối gỗ lũa hoang sơ nơi phòng ngủ, ngẩn ngơ ngắm hàng cây cảnh – một thú chơi ông vô cùng yêu thích ngoài hiên nhà. Trong suốt cuộc nói chuyện, danh thủ quốc gia nổi tiếng một thời, cha đẻ của 2 cầu thủ từng là trụ cột của bóng đá Việt Nam: Đặng Phương Nam và Đặng Thanh Phương...chúng tôi như được ông đưa về quá khứ, rồi quay lại hiện tại. Để rồi từ đó lấp lánh niềm hy vọng, tin yêu trước thềm một mùa Xuân mới...
Mộc Miên