Ngày 16/4, Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, phối hợp với Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tiếp nhận một cá thể khỉ đuôi lợn (tên khoa học: Macaca leonina) do người dân tự nguyện giao nộp.

Cá thể khỉ đuôi lợn quý hiếm được người dân giao nộp.
Trước đó, cá thể khỉ được ông Phan Văn Ngọc, trú tại thôn Tam Đa, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, mua về từ người dân địa phương để nuôi. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu pháp luật, ông Ngọc nhận thấy việc nuôi nhốt động vật rừng là hành vi vi phạm và đã tự nguyện liên hệ với kiểm lâm để giao nộp.
Cá thể khỉ có giới tính đực, nặng khoảng 6kg, thuộc loài khỉ đuôi lợn (Macaca leonina) - loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IIB theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tại thời điểm bàn giao, cá thể khỉ có dấu hiệu bị thương ở chân sau, tập tính hoang dã bị suy giảm.
Theo đại diện Trung tâm Cứu hộ, cá thể khỉ sẽ được theo dõi sức khỏe, điều trị chấn thương và huấn luyện phục hồi bản năng sinh tồn trước khi tái thả về rừng.

Trước đó, một cá thể khỉ cũng được giao cho cơ quan chức năng thả về môi trường tự nhiên.
Đây là lần thứ ba trong năm 2025, lực lượng kiểm lâm địa phương tiếp nhận khỉ đuôi lợn từ người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Thống kê từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã cứu hộ 14 cá thể động vật hoang dã, trong đó có 9 cá thể được thả về rừng sau thời gian chăm sóc phục hồi.
Cùng ngày 16/4, thông tin từ UBND thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, những ngày gần đây, một đàn cò nhạn (Anastomus oscitans), loài chim quý hiếm ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, vừa được ghi nhận xuất hiện tại vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Đàn cò quý hiếm xuất hiện tại vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. (Ảnh Jungle Boss Tours).
Đàn cò nhạn với khoảng 300–400 cá thể trú ngụ trên các cánh đồng gần tổ dân phố Cù Lạc 2, thị trấn Phong Nha.
Theo ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, từ đầu năm đến nay, có nhiều đàn cò nhạn xuất hiện xung quanh vùng đệm Di sản. Đặc biệt có những ngày chúng bay về đậu kín cả cánh rừng.
Để bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm này, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo tồn sinh thái tự nhiên, gìn giữ môi trường sống cho đàn cò và bảo vệ cảnh quan vùng đệm Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng.