Cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton cho rằng, quyết định của chính quyền TT Donald Trump trong việc rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giống như một "món quà cho Tổng thống Vladimir Putin".
Phát biểu tại một sự kiện ở đại học Georgetown hôm 6/2, bà Clinton tuyên bố rằng chính quyền hiện tại đã rút khỏi INF "mà không thực sự buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm hiệp ước".
"Chúng tôi biết rất rõ về sự gian lận của họ và lẽ ra cần làm tốt hơn để mọi thứ được phơi bày rõ ràng. Điều này không chỉ để chứng minh cho người dân Mỹ mà cả người dân Nga và người châu Âu về việc Nga đang trốn tránh trách nhiệm trong INF", bà Clinton nói.
Nhìn vào tình hình từ góc độ toàn cầu, bà Clinton cho rằng thế giới có thể phải đối mặt với một số triển vọng ảm đạm sau sự sụp đổ của hiệp ước mang tính bước ngoặt.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Washington sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước INF bắt đầu từ ngày 2/2.
Ông nói thêm rằng thỏa thuận sẽ chấm dứt hoàn toàn nếu Nga không đáp ứng các yêu cầu của Washington liên quan đến các vi phạm hiệp ước bị cáo buộc, cụ thể là phá hủy tất cả các tên lửa 9M729 trên mặt đất, các bệ phóng cũng như các thiết bị liên quan khác được cho là vi phạm thỏa thuận.
Ông Pompeo tuyên bố rằng Nga có sáu tháng để cứu thỏa thuận trong khi Mỹ bắt đầu quá trình rút khỏi INF.
Ngay sau thông báo nói trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, khẳng định Moscow đang đình chỉ các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước INF để đáp trả động thái của Washington.
Ngoài ra, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng việc sử dụng tên lửa mục tiêu và triển khai các bệ phóng Mk 41 ở châu Âu kể từ năm 2014 của Mỹ là vi phạm trực tiếp hiệp ước kiểm soát vũ khí và nhắc lại rằng Moscow đã hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận.
Ông Putin nhấn mạnh thêm rằng bất chấp các biện pháp đối ứng, Nga không nên và sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang.
Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước năm 1987 với việc phát triển hệ thống tên lửa mặt đất 9M729, mà Washington tuyên bố có tầm bắn hơn 1.000 km, trong khi thỏa thuận cấm tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Moscow đã kịch liệt bác bỏ các chỉ trích nói trên, trích dẫn việc thiếu bằng chứng và nhấn mạnh rằng tầm bắn của các vũ khí này là 480 km, hoàn toàn tuân thủ INF.