Ông Henry Kissinger, một học giả, chính khách và nhà ngoại giao nổi tiếng, người nắm giữ quyền lực vô song đối với chính sách đối ngoại của Mỹ trong suốt chính quyền của Tổng thống Richard M. Nixon và Tổng thống Gerald Ford, và là người trong nhiều thập kỷ sau đó, với tư cách là nhà tư vấn và nhà văn, đã đưa ra những quan điểm định hình nền chính trị và kinh doanh toàn cầu, đã qua đời tối ngày 29/11 giờ địa phương (sáng 30/11 giờ Việt Nam) tại nhà riêng ở Connecticut, hưởng thọ 100 tuổi.
Công ty tư vấn Kissinger Associates của ông đã thông báo về việc ông qua đời trong một tuyên bố vào tối 29/11, nhưng không tiết lộ nguyên nhân.
Là một “người khổng lồ” của Đảng Cộng hòa, ông Kissinger vẫn duy trì được tầm ảnh hưởng cho đến cuối đời, phần lớn nhờ vào việc thành lập Kissinger Associates vào năm 1982, một công ty tư vấn địa chính trị có trụ sở tại Thành phố New York và là tác giả của một số cuốn sách về các vấn đề quốc tế.
Heinz Alfred Kissinger sinh ngày 27/5/1923 ra ở Furth, Đức. Là một người Do Thái nhập cư chạy trốn khỏi Đức Quốc xã, ông trở thành Henry Alfred Kissinger sau khi cùng gia đình chuyển đến Mỹ vào năm 1938.
Khi đó ông nói được rất ít tiếng Anh. Nhưng ông đã khai thác được trí tuệ nhạy bén, khả năng thông thạo lịch sử và kỹ năng viết văn của mình để thăng tiến nhanh chóng từ một sinh viên tốt nghiệp Đại học Harvard thành một giảng viên của trường đại học danh tiếng.
Ông đã cố vấn cho 12 Tổng thống Mỹ – từ John F. Kennedy đến Joseph R. Biden Jr. Với sự hiểu biết của một học giả về lịch sử ngoại giao, nỗ lực thành công trên đất Mỹ – quê hương thứ hai của mình.
Ông bắt đầu làm việc trong chính quyền Nixon vào tháng 1/1969 với tư cách Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng và sau khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ năm 1973, ông đồng thời giữ cả 2 chức danh – một điều rất hiếm. Khi Tổng thống Nixon từ chức, ông vẫn tiếp tục làm việc dưới quyền của Tổng thống Gerald R. Ford.
Trong nhiều thập kỷ, ông vẫn là tiếng nói quan trọng nhất của đất nước trong việc quản lý quan hệ với Trung Quốc cũng như những thách thức kinh tế, quân sự và công nghệ mà Bắc Kinh đặt ra. Ông là người Mỹ duy nhất đã tiếp xúc với mọi nhà lãnh đạo Trung Quốc từ thời ông Mao Trạch Đông đến thời ông Tập Cận Bình. Vào tháng 7 năm nay, ở tuổi 100, ông đã gặp ông Tập và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác ở Bắc Kinh, nơi ông được chào đón nồng nhiệt.
Với giọng Đức, sự hóm hỉnh sắc sảo, và niềm đam mê giao lưu, ông Kissinger được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới, trái ngược hoàn toàn với hầu hết những người tiền nhiệm khiêm tốn của mình.
Ông không chỉ là ngôi sao của các tờ báo khổ nhỏ, mà còn là khách “ruột” của các tờ báo hạng nặng nghiền ngẫm các ý tưởng của ông về địa chiến lược. Khi ông được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ, một cuộc thăm dò của Gallup cho thấy ông là người được ngưỡng mộ nhất cả nước.
Nhưng ông cũng trở thành mục tiêu của những lời chỉ trích không ngừng nghỉ. Những gì ông coi là thực dụng thì nhiều nhà văn và nhà phân tích lại coi là hành động vô nguyên tắc.
Tiến sĩ Kissinger đã đạt được quyền lực, danh tiếng và sự giàu có ngoài mơ ước của hầu hết mọi người trong đời sống xã hội, tuy nhiên ông đã dành những thập kỷ cuối đời để bảo vệ bản thân và vị trí của mình trong lịch sử, giải thích rằng ông đã làm những gì ông phải làm.
Minh Đức (Theo Washington Post, NY Times, The Guardian)