Cứu người TNGT nhiễm HIV có được miễn phí thuốc chống phơi nhiễm?

Cứu người TNGT nhiễm HIV có được miễn phí thuốc chống phơi nhiễm?

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Thứ 7, 10/03/2018 20:36

Thông tin từ cục Phòng, chống HIV/AIDS, người cứu giúp nạn nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) không thuộc diện miễn phí thuốc chống phơi nhiễm HIV. Tuy nhiên, từ trước tới nay, ngành Y tế thường cấp miễn phí cho những ai cứu giúp người TNGT "có H" để chống phơi nhiễm HIV.

Mới đây, tại xã Za Hung, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có 3 thanh niên người địa phương vì cứu người bị TNGT "có H" nên lo sợ bị phơi nhiễm HIV. Do trong quá trình giúp đỡ người bị TNGT, các anh đều bị xây xát và máu của nạn nhân đã dính vào người.

Tuy nhiên, khi 3 thanh niên tốt bụng này bắt xe xuống trung tâm Phòng, chống HIV Quảng Nam để điều trị thì các cán bộ cho biết, họ không thuộc diện đang làm nhiệm vụ nên không được cấp thuốc và điều trị miễn phí chống phơi nhiễm HIV. Giá thuốc là 3 triệu đồng. 

Lúc này, chỉ có anh M. bỏ tiền mua thuốc phơi nhiễm, anh Q. và N. vì không có tiền nên đành trở về nhà.

Cứu người TNGT nhiễm HIV có được miễn phí thuốc chống phơi nhiễm?

Thuốc chống phơi nhiễm HIV.

Về vụ việc này, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS (bộ Y tế) cho biết, đơn vị đã nhận được báo cáo nhanh của trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Quảng Nam.

Theo báo cáo từ trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Nam, bác sĩ tại đây đã thăm khám cho 3 người cứu giúp người bị nạn ở trên. Trong đó, 1 người tiếp xúc với máu của người bị TNGT, có nguy cơ phơi nhiễm nên đã uống thuốc. Hai người không uống thuốc có độ tiếp xúc ít hơn nên nguy cơ phơi nhiễm ít hơn.

Ông Cảnh cũng dẫn ra đây các đối tượng được cấp thuốc chống phơi nhiễm HIV (ARV) miễn phí theo quy định của Nhà nước bao gồm: Cán bộ công an, chiến sĩ, cán bộ y tế, sinh viên đang thực tập, khi làm nhiệm vụ.

Đối với người cứu giúp nạn nhân bị TNGT "có H" thì không thuộc diện miễn phí. Tuy nhiên, trên thực tế, từ trước tới nay, với những trường hợp này, ngành Y tế thường cấp miễn phí cho những người cứu giúp để chống phơi nhiễm HIV.

Ông Cảnh cho hay, thuốc chống phơi nhiễm HIV sử dụng hiệu quả trong vòng 3 ngày (tức là 72 giờ) đầu tiên sau phơi nhiễm. Nếu uống sau 3 ngày xảy ra vụ việc thì thuốc sẽ không có tác dụng.

“Với những trường hợp bị phơi nhiễm khi cấp cứu TNGT, khi cơ sở ở tỉnh báo cáo lên, chúng tôi sẽ chủ trương cấp miễn phí cho người cứu giúp. Trường hợp 3 thanh niên trên, theo báo cáo từ tỉnh Quảng Nam gửi ra, những người này đến muộn sau 3 ngày xảy ra vụ việc (tức 72 giờ)”, ông Cảnh chia sẻ.

Trước đây, tại địa phận xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum cũng xảy ra vụ 2 xe đâm nhau, trong số các nạn nhân tử vong có 1 người nhiễm HIV và tình trạng nhiễm HIV của nạn nhân chỉ được biết sau khi cứu nạn.

24 cán bộ y tế, 1 chiến sĩ công an và 11 người dân tham gia có tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân có nguy cơ phơi nhiễm HIV. Khi trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh báo cáo nhanh và cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chủ trương cấp miễn phí cho những người cứu giúp nạn nhân bị HIV trong vụ tai nạn giao thông đó.

Nguyễn Huệ

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.