Đi đến đâu gây nghi ngờ đến đó
Sau chuyến bay từ Hồng Kông (Trung Quốc) tới Mátx-cơ-va (Nga), lực lượng truy lùng Edward Snowden lại mất dấu của cựu điệp viên này. Mặc dù hộ chiếu đã bị thu hồi nhưng Snowden vẫn lên máy bay và dừng chân tại những nước Snowden muốn trú.
Tuy nhiên, việc dừng chân này khiến Mỹ liên tục nghi ngờ Snowden là điệp viên cho những nước đó. Để dập tắt những nghi vấn này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phủ nhận những phản ứng của Mỹ khi cho rằng Mátx-cơ-va tạo điều kiện cho Snowden bỏ trốn.
Ngoại trưởng Nga nói: "Chúng tôi chẳng liên quan đến Snowden hay công lý của Mỹ và cả sự di chuyển của anh ta trên thế giới. Hành trình là do Snowden tự chọn. Chúng tôi biết điều đó qua các phương tiện truyền thông và rõ ràng anh ta chưa hề vượt qua biên giới nước Nga. Chúng tôi xem việc Mỹ cáo buộc Nga phạm luật và đồng lõa cho âm mưu trốn chạy của Snowden là vô căn cứ và không chấp nhận được".
Đề cập đến vụ việc, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Đúng là Snowden đã đến Mátx-cơ-va. Nhưng điều đó hoàn toàn bất ngờ với chúng tôi. Bất cứ cáo buộc nào nhằm vào Nga về vụ việc này đều vô lý và nhảm nhí".
Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm, hiện tại, Snowden vẫn ở khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo ở Mátx-cơ-va và người này càng sớm chọn điểm đến cuối cùng càng tốt để mọi nghi ngờ từ phía Mỹ đối với Nga là vô căn cứ.
Ông nói: "Anh ta là một hành khách quá cảnh. Anh ta càng sớm chọn điểm đến cuối cùng thì càng tốt cho cả chúng tôi lẫn anh ta".
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh thêm, Nga không có thỏa thuận dẫn độ với Mỹ. Còn theo các nguồn tin báo chí, Snowden đã rời Mátx-cơ-va đến Cuba và tiếp tục chuyển tiếp ở Venezuela trước khi đến Ecuador - nơi trao cho anh ta quy chế tị nạn chính trị với sự giúp đỡ của WikiLeaks, trang web đã tung hàng ngàn bức điện tín mật của Mỹ.
WikiLeaks tuyên bố, chính họ đã đảm bảo một con đường an toàn cho Snowden tới quốc gia Nam Mỹ này. Snowden đã liên lạc với nhà làm phim tài liệu Laura Poitras vào tháng 1 bởi anh ta có thông tin về cộng đồng tình báo. Nhưng phải nhiều tháng sau, Snowden mới gặp Poitras và hai phóng viên Anh ở Hồng Kông.
Việc Snowden di chuyển liên tục như thế khiến lực lượng truy tìm tung tích của Snowden gặp nhiều khó khăn và cũng làm giới chức Mỹ hoang mang, tự hỏi: "Snowden thực sự là điệp viên của nước nào?". Tổng thống Nga cũng bày tỏ hy vọng, câu chuyện Snowden sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Nga và Mỹ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, Nga không liên quan gì đến vụ việc Snowden và việc trục xuất Snowden là "không có căn cứ và không thể chấp nhận được". Trước đó, AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, Mỹ sẽ theo đuổi mọi kênh pháp lý và làm việc với nhiều nước khác để bảo đảm “luật pháp được thực thi đích đáng” với Snowden.
Edward Snowden (phải) và nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.
Nắm giữ bao nhiêu thông tin mật ?
Trong đoạn video của Snowden, cựu nhân viên CIA khẳng định rằng, anh ta làm việc cho Chính phủ Mỹ chỉ với mục đích duy nhất là thu thập bằng chứng về hoạt động do thám người dân của cục An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA).
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, Snowden đã thú nhận anh ta trở thành một nhân viên tại công ty Booz Allen Hamilton - nhà thầu an ninh cho NSA nhằm mục đích thu thập bằng chứng về các chương trình do thám bí mật của NSA trước khi tung tin cho báo chí.
Snowden nói: "Nhờ vị trí của tôi tại Booz Allen Hamilton mà tôi có thể tiếp cận với hàng loạt máy tính trên khắp thế giới mà NSA thâm nhập. Đó là lý do vì sao tôi chấp nhận làm ở vị trí đó khoảng ba tháng trước".
Ecuador từ chối yêu cầu hợp tác của Mỹ Trước hành trình thấy rõ của Snowden và lo lắng về nhiều tài liệu mật khác bị phát tán sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân nước Mỹ, Chính phủ Mỹ đã lên tiếng đề nghị Ecuador không chấp nhận đơn xin tị nạn chính trị của cựu nhân viên kỹ thuật cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) này. Tuy nhiên, Ecuador đã từ chối yêu cầu hợp tác của Hoa Kỳ và tạo điều kiện cho vị "anh hùng" Snowden được tị nạn chính trị. Hiện, Ecuador đang giúp đỡ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange thoát khỏi sự xét xử của Mỹ và các quốc gia khác bằng cách cho ông này tị nạn tại đại sứ quán của Ecuador tại London. |
Trong một cuộc đàm thoại trực tiếp toàn cầu trên internet, Snowden còn tuyên bố, anh ta chịu mức lương thấp để theo đuổi mục tiêu của mình. Anh ta nói: "Booz không phải là cơ quan trả lương tôi cao nhất. Nhưng tôi chấp nhận nó vì mục đích cao cả hơn".
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Hoa Nam, tờ báo này cho biết Snowden cũng đưa ra bằng chứng cho thấy NSA thâm nhập máy tính ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. Snowden cho hay: "Tôi không công bố chúng sớm hơn, bởi tôi không muốn tung một đống tài liệu ra mà không xem đến nội dung của chúng. Tôi phải xem xét mọi thứ trước khi công bố cho báo giới". Ngoài thông tin về chương trình theo dõi Internet PRISM, Snowden cũng cho biết, anh ta dự kiến sẽ công bố thêm nhiều tài liệu mật nữa.
"Nếu tôi có thời gian để xem xét hết những thông tin này, tôi muốn công bố nó cho báo giới ở từng nước để họ có đánh giá của riêng họ, độc lập với đánh giá của tôi, để họ tự quyết xem, liệu hoạt động của Mỹ có phải là chống lại người dân nước họ hay không".
Thế nhưng, khi được hỏi "Anh đứng về phía bên nào?" thì Snowden đã trả lời rằng, anh ta đứng về phía những cá nhân đã và đang sử dụng internet bị theo dõi bởi PRISM.
Hai ngày sau khi Snowden hé lộ thông tin mật tại Hồng Kông, Booz Allen Hamilton đã sa thải anh ta. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, thông báo trong chương trình "Face the Nation" (Đối mặt với quốc gia) của CBS rằng, hiện tại, Snowden có khả năng sở hữu tới 200 tài liệu bí mật.
Việc ngăn chặn Snowden tiếp tục tung thêm các tài liệu mật đối với Mỹ là điều rất khó, bởi đến nay hành tung của Snowden vẫn là một ẩn số. Cuộc truy tìm dấu vết của Snowden được ví như một bộ phim hành động của Hollywood đầy kịch tính và vô cùng hồi hộp với những người trong cuộc và những người liên quan.
An Mai (Theo CBS News/NY Times)