Cựu phó chủ tịch tỉnh ‘ăn xin cao cấp’ giúp dân nghèo

Cựu phó chủ tịch tỉnh ‘ăn xin cao cấp’ giúp dân nghèo

Thứ 5, 07/03/2013 16:30

Mười mấy năm qua, người dân Bến Tre đã quen với hình ảnh người đàn ông với đôi chân đầy thương tích chiến tranh, thường xuyên đến những nơi có cầu khỉ, hay những bến đò nguy hiểm để khảo sát, làm cầu bê tông nối nhịp giao thông. Người đó là ông Trịnh Văn Y, nguyên phó chủ tịch tỉnh Bến Tre.

Về hưu vẫn gom tiền xây 1.300 cây cầu

Trở về sau kháng chiến với nhiều thương tích, ông Trịnh Văn Y được bầu làm Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre. Khi đã nghỉ hưu, ông không an phận tuổi già mà đi khắp hang cùng ngõ hẻm của tỉnh để xây cầu cho dân. Để có tiền xây cầu, ông không ngần ngại làm dự án đến gõ cửa từng cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Có người nói đùa rằng, ông là kẻ "ăn xin cao cấp".

Ông chỉ cười bảo: "Mình ăn xin về cho dân chứ không phải cho mình nên mình không ngại. Còn sức khỏe thì tôi còn đi xin. Tôi mong muốn cùng với Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre đem lại bộ mặt mới cho giao thông nông thôn.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trịnh Văn Y (ngụ 270C1, đường Nguyễn Tư, khu phố 3, phường 7, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre) lúc trưa muộn. Tiếp chúng tôi, ông Hai Y vui vẻ: "Ý tưởng làm cầu cho dân không phải đến lúc nghỉ hưu tôi mới nghĩ đến, trong thời gian làm Phó chủ tịch tỉnh Bến Tre (1991 - 2001), trong những chuyến công tác xuống nông thôn, lần nào tôi cũng nghe phản ánh có nhiều học sinh, hay thậm chí là cả người lớn chết do té cầu khỉ, lúc đó lòng tôi đau lắm.

Tôi chỉ mong có thể xây được cầu cho người dân đi lại nhưng vì ngân sách khó khăn, người dân còn nghèo nên không thể làm hết cầu đường cho dân được. Sau khi nghỉ hưu, tôi được bầu làm chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật (KHKT) cầu đường tỉnh Bến Tre. Đến năm 2003, khi thấy hội viên ngày càng đông nên tôi bàn bạc với anh em lập tổ làm cầu đường từ thiện cho nông thôn. Để khích lệ anh em, tôi nhận trách nhiệm đi vận động kinh phí, còn các kỹ sư đóng góp tinh thần và trình độ của mình để thiết kế cầu. Một thời gian sau, các cây cầu dây, cầu đường bê tông lần lượt được hoàn thành".

Mười hai năm qua, hình ảnh người cán bộ về hưu, chân đi cà nhắc xuất hiện bên những cây cầu khỉ, hay bến đò ngang cách trở không còn xa lạ với người dân Bến Tre. Nay đã bước sang tuổi 71, nhưng nhìn ông còn khỏe lắm. Ở tuổi này nhiều người chỉ lo nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già nhưng ông Y vẫn ngày ngày xuống những vùng nông thôn nghèo khó để xây cầu, làm đường cho dân.

Đến nay, ông Y đi khắp nơi vận động xây dựng được 1.300 cây cầu, làm mới gần 200km đường giao thông ở vùng sâu, vùng xa của Bến Tre. Không chỉ xin các doanh nghiệp trong tỉnh, ông Y còn làm dự án gửi đi các tỉnh bạn, đặc biệt là TP.HCM nhờ giúp đỡ, thậm chí ông còn mời được cả người nước ngoài vào đầu tư làm cầu cho dân Bến Tre.

Miền nam - Cựu phó chủ tịch tỉnh ‘ăn xin cao cấp’ giúp dân nghèo

Ông Y luôn mong sẽ mang lại bộ mặt mới cho giao thông nông thôn

Hỏi vì sao một người đau yếu vì bệnh tăng xông, tiểu đường lại có thể làm được điều kỳ diệu như thế? Ông Y chia sẻ: "Tôi ôm một chồng dự án của anh em kỹ sư trong hội thiết kế, làm dự toán, đến gõ cửa xin gặp những đồng chí, đồng đội của mình đang công tác ở các doanh nghiệp trong tỉnh để xin tiền vì tôi tin họ cũng hiểu người dân Bến Tre cần gì. Nghe tôi trình bày kế hoạch của hội KHKT cầu đường là xây cầu cho dân nghèo, ai cũng cảm động nên tận tình giúp đỡ. Uy tín của hội ngày càng cao nên đi đến đâu cũng được ủng hộ, có nhiều người còn tự nguyện đến gặp tôi xin được đóng góp làm đường cho những vùng sâu vùng xa, những lúc đó tôi vui lắm".

Có người hỏi ông Y sao già rồi không nghỉ ngơi mà suốt ngày đi vận động làm cầu đường cho dân, ông cười cho biết: "Những ngày tháng chiến đấu tôi được người dân nơi đây che chở, nuôi tôi ăn từng bữa. Đến khi làm phó chủ tịch, người dân lại gò lưng đóng thuế để trả lương cho tôi, nhưng tôi đã làm được gì cho họ đâu. Tôi còn mắc nợ dân nhiều lắm, đó là món nợ quá lớn mà có thể tôi sẽ không trả hết được cho dân trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Do đó, tôi đang cố gắng hết sức để có thể mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, đặc biệt là ở những vùng nông thôn còn khó khăn. Khi xin được một đồng thì phải đưa đến tay dân đúng một đồng, mình là đầy tớ của dân mà. Các tổ chức, cá nhân đã có lòng đóng góp, tin tưởng giao cho mình thì mình cũng phải làm sao để dân tin mình chứ".

Trả nợ cho dân

Người dân còn gọi ông Y là người nối những nhịp cầu yêu thương, hỏi ông  có hạnh phúc không khi được gọi như thế, ông Y cười bảo: "Được người dân yêu quý dĩ nhiên là rất vui, nhưng tôi chẳng dám nhận mình là nhịp cầu yêu thương. Tôi chỉ biết rằng, tôi thật sự rất hạnh phúc vì mang lại cuộc sống thoải mái hơn cho nông thôn Bến Tre.

Mình làm công trình cho dân nên ai cũng ủng hộ, phấn khởi, mọi người đều chung tay vào làm, cứ mỗi cây cầu được xây xong là có hàng vạn nụ cười hạnh phúc. Mọi người đi lại trên cầu đông như hội, những lúc như thế mình thấy vui lắm, vì mình cũng đã góp một phần nhỏ nối hai bờ sông cho người dân đi lại được thuận tiện". Bởi thế mà, hầu hết các buổi lễ khánh thành cầu người ta đều thấy ông cười nói vui vẻ, trong khi đôi mắt đỏ hoe vì vui sướng và cảm động.

Không chỉ những công trình trong tỉnh, ông Y còn trực tiếp hướng dẫn làm dự án, hướng dẫn vận động các nguồn kinh phí khác để xây cầu cho các tỉnh bạn. Ông kêu gọi quỹ phát triển Schmitz và Bộ kinh tế kỹ thuật liên bang và phát triển của Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ để xây 200 cây cầu cho tỉnh Sóc Trăng.

Một vị lãnh đạo tỉnh Bến Tre cho biết: "Việc ông Y mời được Toni Ruttimann về Bến Tre xây cầu treo là một điều hết sức bất ngờ. Rồi ông còn mời được cả một tổ chức tại Đức cùng góp vốn nữa, quả là điều hết sức kỳ diệu. Đó thật sự là những nhịp cầu yêu thương xuyên biên giới nối những tấm lòng yêu thương với nhau".

"Đến nay cầu khỉ trên địa bàn tỉnh cơ bản được xóa hết, nhưng hiện còn vài trăm cây cầu cũ cần phải được sửa chữa, bảo trì. Tôi không cảm thấy thỏa mãn với những gì đã làm được, xây được cầu mới rồi còn phải thường xuyên bảo trì nữa, như thế mới bền được. Chúng tôi đang phối hợp với Tỉnh ủy áp dụng thí điểm chương trình bảo trì giao thông nông thôn ở 9 ấp, mỗi ấp đều lập ra tổ điều hành, hướng dẫn họ cách bảo trì đúng kỹ thuật để công trình giao thông được chắc chắn. Đây cũng là một cách để đưa khoa học kỹ thuật vào nông thôn, nhằm cải tạo nông thôn có bộ mặt mới", ông Y cho biết thêm.

Anh Trần Văn Hòa (ấp Tích Đức, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: "Là người dân, tôi thật sự cảm động và biết ơn những tấm lòng luôn biết lo cho dân như ông Hai Y, tuy ông sống tại thành phố Bến Tre nhưng biết nghĩ cho những vùng đất còn nghèo khó. Nhờ ông Y và hội KHKT cầu đường mà chúng tôi có thể đi lại dễ dàng, giúp phát triển kinh tế xã hội. Tôi mong rằng những tấm lòng như thế sẽ được nhân rộng trong đội ngũ cán bộ Nhà nước và trong nhân dân, để mang lại cuộc sống tốt hơn, đặc biệt là tại vùng nông thôn Việt Nam".

Ông Phạm Văn Long, Giám đốc sở GTVT tỉnh Bến Tre cho biết: "Chưa có nơi nào mà hội KHKT cầu đường lại kiêm luôn việc làm cầu từ thiện như ở Bến Tre. Tất cả đều do ông Y nghĩ ra. Khi vừa nghỉ hưu, có nhiều cơ quan mời ông về làm cố vấn nhưng ông nhất định về sở GTVT để gây dựng hội KHKT cầu đường vì ông cho rằng ở Hội này mới có nhiều cơ hội trả nợ cho dân".

Dù tuổi cao, nhưng ông vẫn hàng ngày lê đôi chân đầy thương tích chiến tranh đi xin từng đồng về xây cầu cho người dân ở những vùng sâu xa trong tỉnh. Nhờ vậy mà những cây cầu khỉ, những bến đò không an toàn bị xóa sổ, tin về những người chết do té cầu không còn nghe thường xuyên như trước nữa. Ông đi đến đâu người dân đều biết, bởi nơi đó, không sớm thì muộn những cây cầu bê tông kiên cố sẽ ra đời. Người dân xứ dừa Bến Tre cảm mến gọi ông là Ông Hai cầu đường.                                              

Với những cố gắng không biết mệt mỏi của mình, đến nay ông Trịnh Văn Y cùng với hội KHKT cầu đường Bến Tre và phong trào nông thôn đã xóa hết cầu khỉ.  1.300 cây cầu được xây mới, bảo trì hàng trăm cây cầu, bên cạnh đó còn mở rộng đường nông thôn và trải bê tông nhiều tuyến đường với chiều dài gần 200km. Bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi theo hướng phát triển, người dân ai cũng phấn khởi khi những cây cầu kiên cố được ông Y và hội KHKT xây dựng hoàn thành.    

Công Thư

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.