Chiều ngày 17/7, tiếp tục ngày làm việc thứ 5 của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, sau khi đại diện Viện Kiểm sát công bố bản luận tội, các bị cáo và luật sư tiến hành bào chữa cho hành vi của phạm tội.
Cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an Trần Văn Dự là một trong 3 bị cáo xin HĐXX được tự bào chữa trước, sau đó các luật sư mới tham gia bào chữa. Trước đó, trong phần luận tội, quan điểm của Viện Kiểm sát đề nghị tòa phạt bị cáo này từ 9 – 10 năm tù.
Video Cựu Phó Cục trưởng A08 tự bào chữa trước toà:
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Trần Văn Dự thừa nhận hành vi nhận tiền theo nội dung cáo trạng nhưng cho rằng mình nhận hối lộ chỉ "là vô tình".
Bị cáo này cho biết mình được Bộ Công an giao thẩm quyền ký văn bản trả lời chấp thuận hay không chấp thuận Bộ Ngoại giao trong Tổ công tác 5 Bộ, do đó có đủ thẩm quyền tương đương với cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.
"Tôi có thể ký bất cứ lúc nào, thẩm quyền lúc đó ngang với anh Tô Anh Dũng nhưng qua hồ sơ tài liệu chứng minh, không có doanh nghiệp nào đến đặt vấn đề với tôi về việc tạo điều kiện cấp phép chuyến bay hoặc chia sẻ lợi nhuận cho tôi", cựu Phó Cục trưởng A08 nói.
Bị cáo này cho hay chỉ có duy nhất 2 doanh nghiệp đến tặng tổng cộng 100 triệu nhưng để tìm hiểu thêm thông tin về người Việt Nam về bằng giấy miễn thị thực, hoàn toàn không phải liên quan chuyến bay giải cứu.
Bên cạnh đó, khi Vũ Anh Tuấn – Cựu Phó Trưởng Phòng tham mưu A08, đưa tiền cho ông Dự đều khẳng định: “Đây là quà biếu, là lộc doanh nghiệp tổ chức xong chuyến bay giải cứu, người ta có lòng nên người ta nghĩ đến anh em. Không ai nói với tôi là hối lộ".
Khi vụ việc bị phát hiện, ông Dự cho hay muốn trả lại tiền "để không mang tiếng tới cơ quan và tới bản thân”.
"Lúc đó tôi sắp nghỉ hưu rồi, không muốn mang tiếng là chợ chiều, là 'vơ bèo vạt tép', tôi không muốn bị những điều đó. Tôi đinh ninh rằng số nhận của doanh nghiệp tổng số 7 tỷ đồng là quà biếu đơn thuần nhưng khi đọc cáo trạng, mới tá hoả ra tất cả những nội dung cán bộ dưới thẩm quyền tôi báo cáo là không đúng sự thật", ông Dự bộc bach.
Cựu Phó Cục trưởng nói thêm, bản thân hoàn toàn có thể "thoát tội" bởi có thể trả lại tiền cho cấp dưới là Vũ Anh Tuấn nhưng đã không chọn làm như vậy và lựa chọn cách không né tránh.
"Tôi không nhận của doanh nghiệp mà do Tuấn đưa cho tôi, tôi có thể trả lại. Vì trách nhiệm là người chỉ huy, trách nhiệm là người đồng hành với cán bộ cấp dưới nên tôi sẵn sàng chia sẻ những rủi do, những gì không đúng.
Tôi xác định dù đây là tiền mình vô tình nhận hối lộ nhưng cũng là tôi "số đen", thì thôi trả lại cho nhà nước. Khi bị bắt tạm giam, việc đầu tiên tôi gọi điện cho vợ bảo chuẩn bị 3 tỷ đồng và nói anh sẽ đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi về", ông Dự nói
Cựu Phó Cục trưởng cho biết mình có 37 năm tuổi quân trước khi nghỉ hưu nhưng đã bị sai phạm lần này vấy bẩn. “Trong 37 năm công tác, bị cáo có 35 năm 6 tháng rất sạch, đến những tháng cuối thì bị vấy bẩn”, bị cáo Dự ngậm ngùi.
Theo nội dung cáo trạng, quá trình tiếp nhận cho ý kiến về kế hoạch tổ chức chuyến bay từ Bộ Ngoại giao, Vũ Anh Tuấn – thuộc cấp của Trần Văn Dự đã chủ động liên hệ trực tiếp, yêu cầu và thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp tham gia chuyến bay với chi từ 50 - 200 triệu đồng/1 chuyến hoặc 500.000 đồng – 1.500.000 đồng/1 khách tùy từng thời điểm để nhận được “cái gật đầu” của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Trường hợp doanh nghiệp không đồng ý theo yêu cầu, Vũ Anh Tuấn và nhóm đối tượng sẽ “gây khó dễ” đối với doanh nghiêp thông qua việc Cục Quản lý xuất nhập cảnh không chấp thuận hoặc chỉ chấp thuận vào sát ngày doanh nghiệp tổ chức chuyến bay. Điều này khiến doanh nghiệp không thể tổ chức chuyến bay hoặc tổ chức được nhưng rất khó khăn và bị động.
Do đó, các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận đưa hối lộ cho Vũ Anh Tuấn. Kết quả từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022, “nhóm lợi ích” tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã nhận hàng chục lần với tổng tiền hơn 44 tỷ đồng từ các doanh nghiệp.
Mạnh Quốc - Hữu Thắng