Bệnh nhi tên B.T.T. (12 tuổi, quê tỉnh Phú Yên) nhập viện trong tình trạng tê cứng mất cảm giác 2 chân và vẹo cột sống. Chia sẻ với PV, chị Trương Thị Mai (42 tuổi, mẹ của bệnh nhi) kể: "Khoảng hơn 1 năm trước, bé T. có biểu hiện bị gù lưng, khó thở và mệt mỏi. Cách đây hơn 1 tháng, vợ chồng tôi thấy con đau quá nên đưa đến bệnh viện Nhi Đồng 1 tại TP.HCM thăm khám. Trước đó, tôi đã cho con khám bệnh tại Quy Nhơn, nhưng vì tình trạng bệnh nặng nên chuyển lên TP.HCM điều trị".
ThS.BS Đinh Việt Hưng, khoa Ngoại Tổng hợp, bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Sau khi nhập viện, bé T. sức khỏe yếu, không thể đi lại, tiểu khó, tần suất đau lưng xuất hiện nhiều hơn. Kết quả hình ảnh chụp MRI cho thấy, bé bị khối u có kích thước khổng lồ 18x10x9cm, chiếm hết toàn bộ khoang màng phổi bên phải, một phần của khối u chèn ép vào tủy sống”.
Cũng theo bác sĩ Hưng, đây là trường hợp khó vì khối u đã xâm nhập vào ống sống, nơi chứa tủy sống và hệ thống rễ thần kinh. Bé sẽ bị liệt hoàn toàn và không thể hồi phục nếu không kịp thời điều trị.
"Bệnh viện nhiều lần tiến hành hội chẩn chuyên khoa và liên viện (có sự phối hợp từ bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để tìm ra phương án tốt nhất giữa các phương án, nên bóc khối u ở phổi trước hay ở ống sống trước hoặc thực hiện cả 2 ca phẫu thuật cùng lúc. Kết quả, chúng tôi quyết định phải ưu tiên giải áp, giảm tổn thương cho tủy sống”, bác sĩ Hưng cho biết thêm.
Trao đổi với PV, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1 nói: “Chỉ cần một chút chủ quan, bệnh nhi sẽ tử vong ngay trên bàn mổ. Do đó, ca mổ đầu tiên được đội ngũ y, bác sĩ “cân não” tiến hành trong 5 tiếng đồng hồ. Sau đó, khối u trong ống sống được bóc tách thành công".
"Sau 1 tuần hồi sức, bệnh nhi được tiếp tục phẫu thuật lần thứ 2 để bóc phần khối u còn lại ở khoang phổi nặng 1,5kg. Sau 2 ca phẫu thuật, bé đang hồi phục tốt, cảm giác dần trở lại bình thường, khả năng tái phát thấp”, bác sĩ Hiếu thông tin.