Đó là bệnh nhân Lê Thị Quỳnh G. (31 tuổi, quê tỉnh Kon Tum, tạm trú quận Gò Vấp, TP.HCM). Chị G. nhập viện vào lúc 12h30 ngày 18/5, trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đã phải dùng kỹ thuật cấp cứu ECMO (hô hấp tuần hoàn) để cứu chữa. Đây là kỹ thuật cấp cứu hiện đại nhất hiện nay, đã từng cứu sống hàng chục bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy bị ngưng tim, ngưng thở.
Trước đó, bệnh nhân G. đi làm, có dấu hiệu mệt mỏi, tức ngực, khó thở. Người nhà đã đưa chị vào những bệnh viện gần nhà cấp cứu, nhưng tình trạng bệnh trở nặng phải chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Các bác sĩ cho biết, với tình trạng ngưng tim, ngưng thở như chị G. rất khó điều trị, chỉ có duy nhất phương pháp cấp cứu bằng kỹ thuật ECMO. Tuy nhiên, khi cấp cứu bằng kỹ thuật này, đòi hỏi chi phí rất cao, lên tới hàng trăm triệu đồng.
Sau khi nghe giải thích từ phía bệnh viện, gia đình cho biết hoàn cảnh khó khăn, chỉ nhờ vào bệnh viện cứu tính mạng chị G. trước, các khoản chi phí gia đình sẽ xoay sở sau.
Sau khi cấp cứu bằng kỹ thuật này, bệnh nhân đã nhanh chóng tỉnh táo, hiện có thể tiếp xúc, trò chuyện được. Dự kiến trong 10 ngày điều trị bệnh nhân sẽ được xuất viện, trở lại công việc bình thường.
Người nhà bệnh nhân G. cho biết, để có tiền trang trải viện phí, gia đình đã vay mượn khắp nơi được 70 triệu đồng. Hiện mọi chi phí khác vẫn chưa thanh toán cho bệnh viện được, dự tính tổng chi phí lên tới 300 triệu đồng. Mong các mạnh thường quân và bệnh viện tạo điều kiện hỗ trợ cho bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bệnh nhân G. mới 31 tuổi, nhưng nuôi 3 con nhỏ và mẹ già. Từ Tây Nguyên lên Sài Thành lập nghiệp, bệnh nhân G. từng phải làm nhiề công việc khác nhau để mưu sinh như: Phụ bàn, phục vụ… Sau đó, chị G. dành dụm tiền để học nghề làm tóc. Mới mở tiệm được 1 tháng thì bỗng dưng sức khỏe chị thay đổi và nhập viện cấp cứu.
Bác sĩ Chuyên khoa I Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, với kỹ thuật ECMO, bệnh viện đã cứu chữa thành công khoảng 70 ca. Với những bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, nếu không dùng máy hỗ trợ cấp cứu kịp thời có thể tử vong nhanh chóng. Ngược lại, nếu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời, cấp cứu bằng kỹ thuật ECMO có thể hồi phục tim sau 15 phút. Kỹ thuật này chỉ áp dụng với những bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, viêm cơ tim, viên phổi nặng.
Cũng theo bác sĩ Đại, từng có nhiều bệnh nhân nhập viện ngưng tim, ngưng thở do viêm cơ tim và được cấp cứu kịp thời. Do đó, người bệnh khi cần có những dấu hiệu của bệnh viêm cơ tim như mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, chân tay lạnh, cần đến bệnh viện để thăm khám kịp thời. Đồng thời, để phòng ngừa bệnh viêm cơ tim, cần phải chích ngừa cúm 1 năm/lần, duy trì đề kháng cơ thể cao.