Theo đó, nữ sinh viên H.A.D., 21 tuổi, sinh viên ngành công nghệ thông tin tại Tp.HCM cảm thấy đau ngực, khó thở, da nhợt nhạt nhập bệnh viện y tế gần nhà tối ngày 30/12/2023.
Các bác sỹ nhận thấy người bệnh có chỉ số huyết áp rất thấp, kèm rối loạn nhịp thất trên điện tâm đồ, chẩn đoán viêm cơ tim cấp nặng nguy cơ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời.
Ngay lập tức người bệnh được hội chẩn với Bệnh viện Nhân dân Gia Định và chuyển vào Đơn vị Hồi sức tim mạch để cấp cứu.
Chỉ trong vòng 30 phút, người bệnh được can thiệp VA-ECMO (oxy hóa máu màng ngoài cơ thể), ngay ở trạng thái tỉnh thức hoàn toàn, không cần gây mê hay thở máy xâm lấn.
ThS.BS Nguyễn Thanh Thảo, Đơn vị Hồi sức tim mạch cho biết: “Các bác sỹ quyết định can thiệp VA-ECMO (oxy hóa máu màng ngoài cơ thể) cấp cứu trong vòng 30 phút để nhanh chóng ổn định huyết động.
Việc phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng giữa các ekip trong bệnh viện và liên viện đã giúp người bệnh có thể can thiệp ECMO sớm, ngay ở trạng thái tỉnh thức hoàn toàn, không cần gây mê hay thở máy xâm lấn.
Can thiệp VA-ECMO thức tỉnh là một phương thức oxy hóa máu màng ngoài cơ thể với ưu điểm thời gian phục hồi của người bệnh nhanh hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng và tiết kiệm đáng kể chi phí điều trị”.
Cũng theo ThS.BS Nguyễn Thanh Thảo, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định hơn 1 năm qua đã đã liên tiếp cứu sống ngoạn mục nhiều ca bệnh bằng kỹ thuật VA-ECMO thức tỉnh.
Trước đây, ECMO thường can thiệp khi bệnh nhân an thần, giảm đau và thông khí xâm lấn. Hiện nay, với ECMO thức tỉnh, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ, hoàn toàn tỉnh táo trong lúc can thiệp thủ thuật và theo dõi.
Vì thế, tất cả thay đổi về triệu chứng của người bệnh đều được đánh giá nhanh chóng và chính xác. Thời gian hồi phục bệnh nhân VA ECMO thức tỉnh cũng nhanh hơn.
Sau 24 giờ can thiệp VA-ECMO, huyết áp của người bệnh đã ổn định, chức năng các tạng hồi phục dần, rối loạn nhịp thất đáp ứng với điều trị corticosteroids liều cao. Chức năng tim phục hồi hoàn toàn và ngưng can thiệp VA-ECMO sau 4 ngày.
Sau khoảng 10 ngày theo dõi và điều trị, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, sức khỏe dần hồi phục và được xuất viện vào chiều ngày 8/1/2024.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viêm cơ tim cấp có diễn biến nhanh đột ngột, phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị sớm và kịp thời.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó phát hiện bởi triệu chứng lâm sàng không điển hình, giống cảm sốt thông thường như: mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn... hơn nữa lại hay gặp ở người trẻ tuổi nên càng dễ chủ quan và coi nhẹ.
Chỉ sau vài ngày bệnh viêm cơ tim cấp đã gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, suy tim.
Vì vậy, nếu bị cảm sốt và đi kèm theo những biểu hiện khác thường: tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh... thì người bệnh cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Nguyễn Lành