Ngày 7/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) theo đơn kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN và đồng phạm.
Vụ án được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia trong đó có dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (viết tắt là dự án NMNĐ Thái Bình 2).
Quá trình đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, bất ngờ bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) và anh Trịnh Hùng Cường (con trai bị cáo Thanh) cùng rút đơn kháng cáo.
Tại phần thủ tục, nhiều luật sư đề nghị HĐXX cho được tiếp xúc với thân chủ của mình và đề nghị tòa triệu tập thêm những người liên quan để làm rõ nội dung vụ án cũng như bảo vệ quyền và lợi ích cho các bị cáo. Sau khi xem xét ý kiến của các luật sư và VKS, HĐXX tiến hành hội ý và đề nghị các đồng chí công an tạo điều kiện cho luật sư tiếp xúc với bị cáo.
Với yêu cầu đề nghị triệu tập thêm nhân chứng hoặc những người liên quan đến bị cáo, HĐXX sẽ xem xét, những người này đã có lời khai tại phiên tòa, nếu cần thiết sẽ yêu cầu triệu tập bổ sung, kể cả nhân chứng luật sư không yêu cầu, nhưng trong trường hợp cần thiết tòa vẫn sẽ triệu tập.
Kết thúc phần thủ tục, HĐXX chuyển sang phần xét hỏi. Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) là người đầu tiên bước lên bục khai báo trả lời thẩm vấn.
Trước đó, bị cáo Vũ Đức Thuận bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 15 năm tù về tội Tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 tội là 22 năm tù.
Theo nội dung đơn kháng cáo, bị cáo Vũ Đức Thuận kháng cáo xin giảm nhẹ cả về phần trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự đối với 2 tội danh trên.
Theo bị cáo Thuận thì bản án tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo quá nghiêm khắc và nặng nề cả về phần hình phạt và phần dân sự.
Liên quan đến Hợp đồng EPC số 33 về việc: Thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng đến công trường, thông quan hàng hóa, bảo hiểm, dỡ hàng tại công trường, xây dựng, lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 gói thầu “EPC xây dựng nhà máy chính” thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2. Bị cáo Thuận khai trước tòa, trước khi ký Hợp đồng EPC số 33, mặc dù biết rõ hợp đồng không đủ căn cứ pháp lý, cụ thể không có phụ lục hợp đồng, không có thiết kế kỹ thuật, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất, bị cáo biết sai nhưng vẫn ký.
Lý do được vị cựu TGĐ PVC đưa ra là, việc ký Hợp đồng 33 đầu tiên tạo được công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân viên của PVC. Thứ hai, thời điểm đó PVC đang rất khó khăn về tài chính, với vai trò là Tổng giám đốc, Vũ Đức Thuận được HĐQT PVC giao ký kết Hợp đồng 33, số tiền tạm ứng thực hiện Dự án sẽ giúp PVC giải quyết được vấn đề nợ nần, cụ thể là có tiền trả nợ cho ngân hàng, đầu tư thực hiện vào một số dự án khác. Khi ký hợp đồng, bị cáo Thuận đã lấy ý kiến của HĐQT và được mọi người đồng ý.
Theo lời khai của bị cáo này, khi PVC đang đứng trước tình trạng khó khăn về tài chính, việc được chủ đầu tư PVPower mời sang ký hợp đồng cũng… phấn khởi.
Nói về tình hình sản xuất, kinh doanh của PVC tại thời điểm đó, bị cáo Thuận cho biết, PVC khi đó rất khó khăn, đang phải vay ngân hàng, con số nợ lên tới khoảng 800 tỷ đồng và đang đến hạn phải thanh toán, trả nợ. “Việc ký hợp đồng mục đích nhằm trả nợ, khắc phục khó khăn tại thời điểm đó”, bị cáo Thuận khai.
Quá trình điều tra cũng như quá trình đưa vụ án ra xét xử, trong vai trò là Tổng giám đốc PVC để xảy ra việc tạm ứng sai, chi sai, bị cáo Thuận nhận tội, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt và xin HĐXX phúc thẩm xem xét lại phần trách nhiệm dân sự cho bị cáo. “Bị cáo không tư lợi cá nhân, chỉ là người làm thuê. Về hành vi ký sai để PVC có lợi khi đang vay nợ rất lớn”, bị cáo Thuận trình bày trước tòa.
Chiều nay, HĐXX tiếp tục đưa vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.