Bị bệnh tật hành hạ từ 3 tháng tuổi, suốt 12 năm qua, bé N.P.A phải sống thấp thỏm suốt với những cơn động kinh đến bất ngờ và liên tục. Trong suốt khoảng thời gian ấy, em đã được gia đình đưa đi chữa trị ở nhiều nơi, sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau và tăng liều cao nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Cơn động kinh tái phát khiến bé e ngại trong cuộc sống và sinh hoạt với mọi người, khó khăn trong tiếp thu, học tập.
Vừa qua, em đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và đã được các bác sĩ chuyên khoa thần kinh ở đây tiến hành hội chẩn, xác định có tổn thương xơ hóa hải mã và được tiến hành phẫu thuật cắt xơ hóa hải mã bên phải. Người bệnh sau mổ không xuất hiện tình trạng tái phát cơn động kinh, không có thiếu hụt thần kinh sau mổ, tình trạng hậu phẫu ổn định.
Chia sẻ với báo chí, ThS.BS Trần Đình Văn, Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Đối với trẻ em, khi đã xác định bệnh động kinh kháng thuốc thì nên phẫu thuật càng sớm càng tốt, giúp cho não bộ trẻ được bình thường hóa trở lại, trẻ được học tập, sinh hoạt và hòa nhập hoạt động xã hội.
Đã có nhiều trường hợp trẻ động kinh kháng thuốc được phẫu thuật thành công mang đến hiệu quả tốt mở ra tương lai cho trẻ. Có em bé được phẫu thuật lúc 2 tuổi rưỡi các đây 5 năm, hiện em đi khám lại thấy không còn xuất hiện cơn và đi học bình thường như các bạn bè đồng trang lứa”.
ThS.BS Trần Đình Văn chia sẻ thêm: “Bệnh lý động kinh trở thành gánh nặng bệnh tật toàn cầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển như Việt Nam, người bệnh động kinh bị hạn chế tham gia các hoạt động học tập, lao động và xã hội, nguy cơ tàn phế về chức năng và tâm lý tâm thần rất lớn.
Ngày nay với sự phát triển của các thuốc điều trị động kinh ngày càng đa dạng hơn, giúp cho điều trị thuốc vẫn là điều trị nền tảng cho bệnh lý này. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có khoảng 20% đến 60% không hiệu quả với thuốc (kháng thuốc), tất cả các nghiên cứu trên thế giới từ rất nhiều năm nay, khẳng định rằng phẫu thuật động kinh kháng thuốc vẫn là lối mở hy vọng rất lớn cho người bệnh động kinh, đặc biệt đối với trẻ em”.
“Các nguyên nhân gây động kinh kháng thuốc thường gặp như: xơ hoá hải mã, loạn sản vỏ não, u thần kinh đệm bậc thấp, khối mô thừa dưới đồi thị... được phát hiện nhờ phim chụp cộng hưởng từ hiện đại 3.0T, phương pháp điện não đồ video và thăm khám đánh giá của hội đồng chuyên sâu về bệnh lý động kinh.
Phẫu thuật cần tiến hành sớm nhất có thể đặc biệt đối với trẻ em động kinh kháng thuốc, tỉ lệ khỏi bệnh với nhóm phát hiện được tổn thương lên tới 70-85%, rủi ro biến chứng thấp. Do đó phương pháp được khuyến cáo rất mạnh mẽ trên thế giới. Bởi phương pháp phẫu thuật mang lại hy vọng lớn cắt cơn động kinh cho trẻ em, giúp ngăn chặn sự hình thành mạng lưới sinh động kinh phức tạp, tạo thuận lợi cho quá trình bình thường hoá sự phát triển tâm thần của trẻ”, bác sĩ Văn thông tin thêm.
Cách chăm sóc trẻ bị động kinh:
- Với trẻ em bị động kinh, người thân cần thường xuyên gần gũi, luôn động viên và khích lệ tinh thần của trẻ, giúp trẻ luôn được thoải mái và sống vui tươi mỗi ngày. Đặc biệt cần lưu ý tránh giận dữ, cáu gắt hoặc tỏ thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh với trẻ. Vì khi trẻ buồn chán, lo lắng hoặc giận dữ, bệnh sẽ tái phát nặng hơn.
- Khi trẻ bị động kinh, cha mẹ cần trông nom con cẩn thận, không cho con đến gần ao hồ, trèo cây, đi xe đạp hoặc ra đường một mình mà không có người lớn đi cùng. Đồng thời ba mẹ cũng nên dặn dò trẻ không được làm những việc trên để tránh cơn động kinh đột ngột sẽ nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để bồi bổ cơ thể cũng như nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đặc biệt cha mẹ tuyệt đối cho trẻ tránh xa rượu bia, thuốc lá và cà phê. Vì những chất kích thích này rất nguy hiểm có thể làm bệnh nặng thêm.
- Cho con uống thuốc đúng thời gian, liều lượng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Vì nếu quên cho con uống một ngày, bệnh sẽ nặng thêm và việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
- Cha mẹ phải xác định tâm lý điều trị bệnh động kinh cần thời gian dài, không được vội vàng vì sẽ nguy hiểm cho tính mạng của con.
- Cần theo dõi thường xuyên tiến trình bệnh để nắm được mức độ phục hồi. Cần thiết nên đưa con đi khám bác sĩ theo định kỳ để các bác sĩ nắm được tiến trình phục hồi bệnh của trẻ để có phác đồ điều trị hợp lý.