Cựu Thủ tướng Đức Merkel cảnh báo hành động khiến EU sụp đổ

Thứ 2, 26/05/2025 10:52

Lời cảnh báo được cựu Thủ tướng Đức đưa ra tại sự kiện "Diễn đàn báo chí Tây Nam" vào cuối tuần qua.

img

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Getty

Theo đài RT, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể tồn tại nếu các quốc gia thành viên siết chặt kiểm soát biên giới và chính sách di cư.

Phát biểu tại "Diễn đàn Báo chí Tây Nam" ở thành phố Neu-Ulm (Đức) cuối tuần qua, bà Merkel tỏ ra không hài lòng với việc chính phủ Đức quay lưng với quan điểm "biên giới mở" từng được bà theo đuổi năm 2015.

“Tôi không tin rằng chúng ta có thể giải quyết dứt điểm vấn đề nhập cư trái phép chỉ bằng cách siết chặt biên giới giữa Đức với Áo hay Đức với Ba Lan. Tôi luôn ủng hộ các giải pháp mang tầm khu vực", bà Merkel nói, phản bác chính sách mới của nội các do Thủ tướng Đức Friedrich Merz đứng đầu.

Theo chính sách được Bộ trưởng Nội vụ Đức Alexander Dobrindt công bố đầu tháng này, mọi đơn xin tị nạn tại các cửa khẩu đường bộ của Đức sẽ bị từ chối – một bước ngoặt hoàn toàn so với chính sách "mở cửa" của bà Merkel trong cuộc khủng hoảng tị nạn 2015–2016. Theo chính sách mới, một số trường hợp ngoại lệ như trẻ em, phụ nữ mang thai và những người dễ tổn thương vẫn được xem xét đặc cách.

Cựu Thủ tướng Đức cảnh báo chính sách này có thể làm suy yếu quyền tự do đi lại trong EU và đe dọa đến tính toàn vẹn của khu vực Schengen – nơi công dân các nước thành viên được di chuyển mà không cần thị thực.

“Nếu không có những giải pháp thống nhất ở cấp độ EU, châu Âu có thể sẽ sụp đổ", bà Merkel nhấn mạnh. Dù không giải thích cụ thể, cảnh báo của bà Merkel dường như là cách nói mang tính biểu tượng, ngụ ý nguy cơ EU rạn nứt nếu mỗi nước đơn phương siết biên giới. Việc từ bỏ tự do đi lại được cho là có thể làm suy yếu tính thống nhất trong khối, đẩy châu Âu vào thế chia rẽ và mất dần khả năng điều phối chính sách chung.

Năm 2015, chính sách mở cửa của bà Merkel từng vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt khi hơn một triệu người tị nạn được phép nhập cảnh vào Đức, làm dấy lên tranh cãi chính trị sâu rộng và kéo dài nhiều năm.

Đức hiện vẫn là điểm đến hàng đầu của người xin tị nạn tại EU. Riêng trong năm 2023, nước này nhận hơn 237.000 hồ sơ – chiếm khoảng 1/4 tổng số đơn xin tị nạn toàn khối, theo thống kê của EU.

Động thái siết chặt biên giới là một phần trong cam kết tranh cử của Thủ tướng Friedrich Merz trước cuộc bầu cử sớm hồi tháng 2, trong bối cảnh đảng Cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng nhờ các quan điểm chống nhập cư cứng rắn.

Trong khi đó, cảnh sát Đức cảnh báo rằng lực lượng biên phòng phải mất "nhiều tuần" mới có thể duy trì thực thi chính sách mới một cách ổn định, do áp lực nhân sự ngày càng tăng – bất chấp việc chính phủ đã bổ sung 3.000 sĩ quan vào lực lượng 11.000 người đang túc trực tại các cửa khẩu chủ chốt của Đức.

Nguyễn Thái - RT

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.