Ngày 12/12, Tòa án Hình sự Thái Lan đã chính thức truy tố cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva với tội danh giết người trong vụ quân đội đàn áp đẫm máu người biểu tình khiến hàng chục người chết vào năm 2010.
Quyết định truy tố này được đưa ra trong bối cảnh Thái Lan đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ năm 2010 đến nay và căng thẳng đang có nguy cơ tiếp tục leo thang. Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban, cựu Phó Thủ tướng dưới thời ông Abhisit cũng được yêu cầu phải trình diện trước tòa án với tội danh tương tự, song ông này đã không chấp hành.
Cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva trình diện tại tòa án sau khi có quyết định truy tố.
Văn phòng Tổng Chưởng lý Thái Lan đã truy tố ông Abhisit và Suthep với tội danh giết người từ hồi tháng 10 với cáo buộc 2 người này đã cho phép sử dụng đạn thật và vũ khí để giải tán người biểu tình “áo đỏ” ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị quân đội lật đổ năm 2006.
Với tư cách là nghị sĩ trong quốc hội Thái Lan, ông Abhisit và Suthep đều được hưởng quyền miễn trừ đối với các quy trình tố tụng của tòa án. Tuy nhiên sau khi quốc hội bị Thủ tướng Yingluck Shinawatra giải tán vào hồi cuối tháng 11, hai người này nghiễm nhiên mất quyền miễn trừ và phải ra trình diện trước tòa án.
Một công tố viên cho biết luật sư của ông Suthep đã yêu cầu tòa án hoãn triệu tập ông này cho đến giữa tháng 1 năm sau, trong bối cảnh cả ông Suthep và Abhisit đều bác bỏ các cáo buộc này.
Sau khi ra quyết định truy tố, Tòa án Hình sự Thái Lan đã cho phép ông Abhisit, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập ở Thái Lan được tại ngoại và phải đến trình diện để điều tra vào ngày 24/3 năm sau. Ông Abhisit đã rời khỏi tòa án mà không đưa ra bất cứ bình luận nào.
Gia đình những người biểu tình bị sát hại năm 2010 đã tụ tập tại tòa án phản đối quyết định cho ông Abhisit tại ngoại. Ông Sunanta Preechawet, anh trai của một người biểu tình thiệt mạng nói: “Tôi muốn cả hai người đó phải ngồi tù. Nỗi đau và khát vọng trả thù đang giày vò trái tim tôi.”
Năm 2010, người biểu tình áo đỏ đã tuần hành ở thủ đô Bangkok trong suốt 9 tuần và yêu cầu ông Abhisit tổ chức bầu cử sớm. Những người này mặc áo phông màu đỏ và cáo buộc ông Abhisit giành được quyền lực bằng cách thông đồng với quân đội để thương lượng với các đảng phái nhỏ hơn để hình thành một liên minh trong quốc hội.
Khoảng 90 người biểu tình áo đỏ đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh tại nhiều địa điểm khác nhau ở thủ đô Bangkok và nhiều người khác bị thương.
Hôm thứ Năm, an ninh tại Tòa án Hình sự Thái Lan đã được thắt chặt khi cả người ủng hộ lẫn người phản đối ông Abhisit đều đổ về đây. Khi ông này đến tòa án, thân nhân của những người biểu tình áo đỏ đã hướng về phía ông này và hét lên “kẻ giết người”.
Hiện cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan vẫn chưa có hồi kết và tình hình đang rất căng thẳng sau khi người biểu tình tiếp tục yêu cầu Thủ tướng Yingluck từ chức, mặc dù bà đã có những động thái nhượng bộ như giải tán Hạ viện và kêu gọi bầu cử sớm.
Động thái giải tán quốc hội của bà Yingluck đã tỏ ra không mấy hiệu quả trong việc làm hạ nhiệt căng thẳng. Ông Suthep đã “được đà lấn tới” và ra yêu sách đòi chính phủ hiện nay từ chức ngay lập tức để nhường quyền cho một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử đã được chỉ định sẵn.
Trong thời điểm hiện tại, ở Thái Lan đang tồn tại 2 chính phủ song song khi ông Suthep cũng tuyên bố thành lập một “chính phủ” của mình. Ông này đã kêu gọi cảnh sát bắt giữ bà Yingluck vì tội phản bội và hối thúc người dân “giám sát” các động thái của bà cùng các thành viên khác của gia tộc Shinawatra.
Ông Suthep tuyên bố ông đã đề nghị gặp gỡ lãnh đạo quân đội và cảnh sát vào tối thứ Năm nhằm kêu gọi sự hậu thuẫn của các lực lượng này, tuy nhiên hiện chưa rõ các chỉ huy quân đội Thái Lan có chấp nhận đề nghị này hay không.
Hiện bà Yingluck vẫn kiên quyết bác bỏ yêu cầu từ chức của phe biểu tình và kêu gọi các đảng phái ở Thái Lan tham gia vào cuộc bầu cử. Theo giới quan sát, đảng Pheu Thai của bà Yingluck chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.