Cựu Tổng thống Đức hầu tòa ngày 1/11: Chuyện bé vẫn có thể xé ra to

Cựu Tổng thống Đức hầu tòa ngày 1/11: Chuyện bé vẫn có thể xé ra to

Thứ 5, 31/10/2013 16:05

Chưa từng có một việc gì tương tự xảy ra trong lịch sử nước Đức. Ngày 27-8 vừa qua, tòa án Hannover đã đồng ý tiến hành phiên tòa để xử cựu Tổng thống Christian Wulff ở bang Hạ Saxony.

Ông bị buộc phải chịu trách nhiệm hình sự vì tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ để vay tiền với lãi suất thấp hơn so với thị trường.

Trả tiền phạt hay ngồi tù

Cáo buộc tham nhũng đã được dưa ra chống lại ông Wulff từ tháng 4-2013. Theo thông tin từ tờ Der Spiegel, hồ sơ về vụ việc liên quan tới David Groenewold và Wulff hiện dày  khoảng 20 nghìn trang. Vụ việc này liên quan đến hơn một trăm nhân chứng. 25 nhân viên cảnh sát và 4 công tố viên đã tham gia điều tra. Theo báo cáo của một phát ngôn viên tòa án Suzanne Kuebler, thủ tục tố tụng chống lại cựu Tổng thống Đức sẽ được bắt đầu vào ngày 1-11 tới tại Tòa án khu vực Hanover. 

Tiêu điểm - Cựu Tổng thống Đức hầu tòa ngày 1/11: Chuyện bé vẫn có thể xé ra to

Xét xử vụ án này sẽ là thẩm phán Frank Rose ở phòng lớn hình sự. Để hoàn tất, cần tối thiểu là 16 ngày trong vòng 8 tuần. Cựu nguyên thủ quốc gia Đức sẽ bị buộc tội không chỉ trong việc nhận hối lộ mà còn cả tội lạm dụng chức vụ, trục lợi cá nhân. Tòa án đã làm dịu đáng kể những lời buộc tội của các công tố viên đối với ông Wulff. Hình phạt tối đa đối với tội hối lộ là 5 năm, còn đối với việc trục lợi cá nhân thì nhẹ hơn một chút - chỉ có 3 năm tù, nhưng cũng có thể chỉ cần trả tiền phạt là xong. Công tố viên trưởng Clemens Aymterboymer cho rằng, bản cáo trạng nhà nước đối với cựu Tổng thống Đức đã được soạn thảo kỹ càng đến mức ông khó có thể thoát án phạt.

Bên bào chữa mặc dù vẫn tỏ thái độ kiên quyết yêu cầu hủy bỏ việc tiến hành xét xử cựu Tổng thống nhưng cũng cảm thấy dễ chịu trước việc giảm nhẹ những lời buộc tội đối với ông Wulff. Trong trường hợp xấu nhất, nếu tòa án có đủ bằng chứng về tội lỗi của bị đơn, cựu Tổng thống Đức có thể phải đối mặt với việc trả tiền phạt hoặc chịu mức án lên đến ba năm tù giam. Nhà sản xuất phim David Groenewold cũng sẽ xuất hiện tại tòa án về tội hối lộ...

Trước kihi công bố những lời buộc tội, Viện Công tố đã đưa ra đề nghị đối với cả hai bị cáo trong vụ việc ầm ĩ này. Theo đó, có thể không phải mở phiên tòa vì mức độ trục lợi cá nhân quá nhỏ của cựu nguyên thủ quốc gia. Để đạt được điều này, cần phải trả một khoản phí là 50 nghìn euro (20 nghìn euro từ cựu Tổng thống Wulff và 30 nghìn euro từ nhà sản xuất phim David Groenewold). Thủ tục này được quy định theo luật tố tụng hình sự của Cộng hòa liên bang Đức.

Tất nhiên, nếu trả các khoản tiền phạt này thì cả hai bị cáo có thể tránh phải xuất hiện trước vành móng ngựa nhưng nếu làm như thế, họ coi như là đã gián tiếp thừa nhận  mình có tội. Vì thế cả hai đều từ chối đề nghị đó và luôn tuyên bố rằng họ vô tội. Cựu Tổng thống Đức kiên quyết yêu cầu mở phiên tòa xét xử để đích thân ông có thể bảo vệ lẽ phải và khôi phục lại danh tiếng đã bị hoen ố. Chính vì thế nên ngày 12-4 năm nay, các công tố viên ở Hanover  đã đưa ra  các cáo buộc chống lại cựu Tổng thống Wulff về việc nhận hối lộ, và lời cáo buộc này sau đó đã được tòa án chuyển thành tội trục lợi cá nhân.

Lợi nhỏ, họa lớn

Ông Christian Wulff sinh ngày 6-9-1959 ở thành phố Osnabruck, vùng Hạ Saxony. Ông là người con thứ hai trong nhà. Khi cậu bé Christian lên 4 tuổi, người cha từ bỏ gia đình. Mẹ ông sau đó lại đi bước nữa nhưng cuộc hôn nhân thứ hai này cũng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi do bà bị mắc bệnh hiểm. Ngay từ năm 14 tuổi, vị Tổng thống tương lai đã phải tự mình xoay xở kiếm sống để có thể lo lắng cho em gái và chăm sóc mẹ. Và cũng từ nhỏ, Wulff đã tỏ ra say mê các hoạt động chính trị, sớm tham gia Liên đoàn học sinh (Schuler Uunion) rồi Liên minh Trẻ (Junge Unien), các tổ chức thanh thiếu niên của Liên minh Dân chủ - Cơ đốc (CDU). Và vị Tổng thống tương lai đã gia nhập CDU ngay từ năm 16 tuổi. Từ năm 1978 tới năm 1980, Wulff đã là Chủ tịch chi nhánh Liên đoàn học sinh tại bang Hạ Saxony. Từ năm 1980 tới năm 1986, vị Tổng thống tương lai đã theo học về luật tại Trường Đại học Tổng hợp Osnabruck. Cũng trong thời gian này, nhà hoạt động trẻ năng nổ tiếp tục thăng tiến trong bộ máy tổ chức thanh niên cũng như trong chính hàng ngũ CDU. Từ năm 1984, ông đã là luật sư của cơ quan điều hành chi nhánh CDU ở Hạ Saxony. Từ năm 1989 tới năm 1994, Wulff là đại biểu và là chủ tịch nhóm đại biểu CDU trong Hội đồng thành phố Osnabruck. Năm 1994, lần đầu tiên ông ra tranh cử vào cơ quan lập pháp Hạ Saxony. Cũng trong năm đó, ông trở thành Chủ tịch Nhóm nghị sĩ CDU và giữ chức vụ cho tới năm 2003. Từ năm 1994 tới năm 2008, ông là Chủ tịch Chi nhánh CDU ở Hạ Saxony. Từ năm 1998, ông là Phó chủ tịch CDU. Từ ngày 4-3-2003 tới ngày 30-6-2010, ông giữ chức Thủ hiến bang Hạ Saxony.

Năm 2010, Christian Wulff được nữ Thủ tướng  Angela Merkel đề cử làm người đứng đầu Cộng hòa liên bang Đức, sau khi Tổng thống Horst Kohler từ chức ngày 20-6 vì đã lỡ lời phát biểu về việc quân đội Đức cần phải tham gia các hoạt động can thiệp quân sự. Ngày 30-6-2010, tại vòng ba bỏ phiếu tại Quốc hội Liên bang, ông đã được bầu làm Tổng thống và là vị nguyên thủ quốc gia trẻ nhất trong lịch sử nước Đức. Ngày 2-7-2010, Christian Wulff chính thức nhậm chức nguyên thủ quốc gia…

Tháng 12-2011, tờ Bild đã cho đăng bài viết về khoản tín dụng ưu đãi 500 nghìn euro mà tháng 10-2008, Christian Wulff, khi đó đang làm Thủ hiến bang Hạ Saxony, đã vay của vợ doanh nhân triệu phú Egons  Geerkens, người mà báo chí Đức gọi là bạn thân của Tổng thống. Trong khi đó ông Wulff, khi trả lời câu hỏi của các đại biểu hội đồng bang tháng 1-2010, đã khẳng định rằng ông không hề có mối quan hệ công việc nào với triệu phú Geerkens. Chính câu trả lời như thế đã khiến các phóng viên càng nghi ngờ về việc ông Wulff vi phạm pháp luật và đánh lừa các đại biểu lập pháp địa phương. Một tuần sau khi bài báo trên được công bố, ông Wulff đã xuất hiện trước công luận với lời xin lỗi và tuyên bố sẽ trình cho các cơ quan có trách nhiệm xem xét các hóa đơn thanh toán chi phí trong các chuyến công tác cũng như các chi tiêu bằng thẻ tín dụng của ông. Đồng thời, ông cũng tuyên bố rằng, những mối quan hệ riêng tư không hề ảnh hưởng tới hoạt động công việc của ông…

Tiêu điểm - Cựu Tổng thống Đức hầu tòa ngày 1/11: Chuyện bé vẫn có thể xé ra to (Hình 2).

Nữ Thủ tướng Angela Merkel (trái) đã từng đề cử ông Wulff làm Tổng thống Đức.

Tuy nhiên, tai tiếng càng gia tăng khi vào đầu năm 2012 lộ ra thông tin rằng, trước khi bài báo trên được công bố, chính ông Wulff đã gọi điện thoại tới cho Tổng biên tập của tờ Bild, Kai Dieckmann và Mathias Dopfner, ông chủ của nhà xuất bản ấn phẩm này  Axel Springer để yêu cầu không được in nó, đe dọa kiện ra tòa và cắt đứt quan hệ với nhà xuất bản. Ngày 4-1, ông Wulff đã lên truyền hình công khai xin lỗi Tổng biên tập Dieckmann về việc đã gọi điện thoại và coi đó là một “sai lầm lớn”. Nhưng đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng ông không làm gì vi phạm pháp luật và không định từ chức… Cách hành xử này của Tổng thống đã gây nên sự phê phán kịch liệt từ phía các chính trị gia và các phương tiện thông tin đại chúng. Ngày 7-1-2012, tại Berlin đã diễn ra một cuộc biểu tình với hàng trăm người tham gia đòi ông Wulff phải từ chức. Trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện tin tức về việc liên minh cầm quyền do bà Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu sẵn sàng ủng hộ quyết định từ chức của ông Wulff và đang tìm kiếm người thay thế ông. Tuy nhiên, đại diện của Chính phủ Đức lúc đó đã bác bỏ tin này…

Trong suöët hai tháng đầu năm 2012, các phương tiện thông tin đại chúng Đức đã liên tiếp công bố những thông tin mới về việc lạm dụng chức vụ từ phía Tổng thống. Ông Wulff bị buộc tội là, khi còn giữ chức Thủ hiến bang Hạ Saxony, ông đã lobby cho quyền lợi của nhà sản xuất phime David Groenewold và vì thế ông này đã thanh toán cho ông các hóa đơn trong các kỳ nghỉ ở các khách sạn Đức. Ngoài ra, theo tài liệu điều tra của các phóng viên, lãnh đạo Hãng Audi mùa hè năm 2011 đã cho ông Wulff và vợ ông mượn miễn phí xe Audi Q3 trong suốt mấy tháng trước khi đời xe này được đưa ra bán ngoài thị trường.

Ngày 16-2-2012, Viện Công tố Hannover sau khi thẩm tra lại những tài liệu nhận được đã đề nghị Quốc hội Đức tước bỏ quyền miễn trừ của ông Wulff. Ngay ngày hôm sau, vì những lời buộc tội tham nhũng nên ông Wulff đã phải từ chức Tổng thống.

Ngày 21-2-2012, nhóm nghị sĩ  của đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD)  ở bang Hạ Saxony đã kiện chính quyền bang ra tòa: theo lời khẳng định của những đảng viên SPD, tháng 4-2010, chính quyền bang Hạ Saxony dưới sự lãnh đạo của Thủ hiến Wulff đã che giấu không cho nghị viện bang  biết về những hỗ trợ tài chính và tổ chức  lấy từ ngân sách bang cho việc tiến hành hội nghị doanh nhân tư nhân Hạ Saxony và Banden - Wurttemberg “Đối thoại Bắc - Nam”. Theo tài liệu của phe đối lập, ông Wulff có dính líu trực tiếp  tới việc tổ chức hoạt động này mà một trong những người chủ xướng là thư ký báo chí của ông, Olaf Glaeseker…

Thực ra, nếu tất cả những lời buộc tội đối với ông Wulff là có thật thì lợi ích mà cựu Tổng thống Đức đã thu được cũng chẳng đáng kể; khoản đầu tư mà ông đã được vay với lãi suất 2,7%, trong khi lãi suất ngoài thị trường là 3,2%. Tính ra, số tiền mà ông được lợi rất nhỏ. Tuy nhiên, vì ngồi ở cương vị mang tính biểu tượng quốc gia nên ông đã bị xét đoán với sûå nghiïm khùæc àùåc biïåt.

Nhiều chuyên gia tư pháp ở Đức dự đoán là phiên tòa sắp tới xét xử cựu Tổng thống Wulff có lẽ sẽ kết thúc bằng một bản án treo. Dẫu sao, phiên tòa vẫn mang một ý nghĩa giáo dục và răn đe rất lớn.

Đinh Thế Cường

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.