Hôm nay (!2/8), TAND Tp. Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử cấp sơ thẩm đối với bị cáo Phùng Anh Lê, cựu Trưởng công an quận Tây Hồ về tội “Nhận hối lộ”.
Cùng hầu tòa với ông Lê còn có 3 cựu cán bộ Công an quận Tây Hồ gồm Nguyễn Đức Châu (SN 1973, cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự quận Tây Hồ), Vũ Công Ngọc (SN 1980, cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự) và Lê Đình Trung (SN 1977, cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) bị truy tố về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”.
Trước nội dung vụ án này, để cung thêm thông tin tới bạn đọc, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Hồng Dương – Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội.
Về quan điểm của mình, Luật sư Dương cho rằng, tại cơ quan CSĐT, bị can Nguyễn Đức Châu khai đã nhiều lần đề xuất lãnh đạo đội để xin ý kiến ông Phùng Anh Lê tiếp tục xác minh.
Tuy nhiên, ông Lê không đồng ý cho làm và chỉ đạo "cho chúng nó hòa giải, rút đơn". Từ chỉ đạo của ông Lê, các cán bộ Công an quận Tây Hồ đã để Tài và bị hại hòa giải, thống nhất bồi thường cho bị hại 15.000.000 đồng, Luật sư Dương thông tin.
Trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu đã được thu thập hoàn toàn khách quan, phù hợp diễn biến sự việc, phù hợp với động cơ mục đích phạm tội của các bị can và người liên quan, đủ căn cứ khẳng định ông Phùng Anh Lê đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác chủ động gợi ý nhận hối lộ số tiền 110 triệu đồng. Trong khi đó, 03 thuộc cấp của ông Lê thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng nêu nhận định.
Từ những nhận định, phân tích trên, Luật sư Dương cho biết, căn cứ khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội nhận hối lộ. Bị can Phùng Anh Lê có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Tuy nhiên, bị can Phùng Anh Lê còn ngoan cố không khai nhận hành vi phạm tội, phủ nhận toàn bộ sự việc, đổ lỗi cho cấp dưới và người liên quan, chủ động tạo ra các chứng cứ không đúng sự thật khách quan nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình. Bị can còn phải chịu những tình tiết năng nặng như phạm tội có tổ chức và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, Luật sư Dương phân tích.
Ngoài ra, bị can Phùng Anh Lê còn có thể chịu những hình phạt bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: “ Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Có cùng quan điểm với Luật sư Đặng Hồng Dương, Luật sư Lê Thị Xuân – Giám đốc Công ty TNHH ALBE cho biết, cần thu thập và phân tích bằng chứng về việc ông Phùng Anh Lê và Ông Bảy thỏa thuận với nhau về việc nhận 110.000.000 đồng (có ghi âm, hình ảnh, hình thức nhận số tiền trên, ai là người giao, ai là người nhận)
Luật sư Xuân cho biết thêm thông tin 3 cựu cán bộ Công an quận Tây Hồ gồm Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc và Lê Đình Trung bị truy tố về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”.
Tuy nhiên việc khởi tố theo tội danh này cần xem xét có đủ căn cứ khởi tố bị can Tài hay không? Còn nếu không đủ căn cứ thì việc thả người là ko sai vì thủ tục tạm giam hành chính không quá 12 giờ, Luật sư Xuân nhấn mạnh.
Điều 44 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính:
Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ.
Khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội nhận hối lộ:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt”.