14 năm 4 tháng 15 ngày trả giá
Về xóm Nước Xanh, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An hỏi ông Nguyễn Tấn Đức (SN 1962) người dân nào cũng nhiệt tình chỉ đường vào tận nhà. Điều đáng nói, tất cả mọi người đều biết về lầm lỗi, một thời vào tù của ông. Thế nhưng trong giọng nói, ánh mắt của người dân nơi đây vẫn thể hiện sự cảm phục về hành trình nỗ lực làm lại cuộc đời của ông Đức.
Đặc biệt, khi chúng tôi hỏi về quá khứ thì ông Nguyễn Tấn Đức khá cởi mở chứ không giấu diếm hay tỏ vẻ ngại ngùng như những người từng vào tù khác. “Quá khứ của tôi là một lỗi lầm rất lớn, vì vậy tôi phải trả giá. Tôi nói về việc này là để những người khác tránh đi, đừng mắc phải. Bởi vì lỗi lầm đó không những ảnh hưởng đến tương lai mà còn khiến cho gia đình khốn khổ”, ông Đức nói.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất khó khăn miền núi huyện Tân Kỳ, vì thế ông biết chỉ có lao động bằng chính bàn tay mình thì mới có ăn. Ngay đầu năm 90, ông đã quyết định đấu thầu khu vực rộng lớn tại xã Giai Xuân để trồng cây, chăn nuôi. Thời điểm đó dân cư thưa thớt nên ông nhanh chóng được chính quyền địa phương đồng ý, thậm chí khuyến khích để phát triển.
Thế nhưng, khi mảnh đất màu mỡ ấy bắt đầu chuẩn bị thu kết qủa thì sóng gió bắt đầu ập đến với gia đình ông. Năm 1996, trong một lần tranh chấp với một nhóm 5 người, ông đã khiến 1 người chết, 2 người bị thương. Hậu quả, ông bị tuyên phạt mức án tù chung thân tội Giết người.
“Mặc dù việc ẩu đả không phải do tôi khởi xướng nhưng dù sao cũng lỡ làm người ta tử vong nên phải đi tù. Pháp luật công bằng nên tôi không có ý kiến. Điều tôi lo sợ nhất chính là gia đình, vì lúc đó 4 người con của tôi còn nhỏ dại, mọi gánh nặng đều đè lên vai vợ tôi cả”, ông nhớ lại.
Lo lắng thế nhưng vào thời điểm sóng gió đó ông vẫn đặt lòng tin vợ mình sẽ vượt qua. Cũng vì thế, ông đặt mục tiêu cho chính mình là phải cải tạo thật tốt để sớm trở về với gia đình. Ở trong tù, ông nghiêm chỉnh chấp hành, cố gắng không vi phạm dù một lỗi lầm nhỏ nhất.
“Tôi đã sai lầm một lần rồi, không thể sai lầm tiếp được nữa. Tôi chỉ muốn mình được trở về xã hội để làm lại cuộc đời. Mỗi năm 2 lần, vợ tôi đưa con lên thăm. Nhìn thấy vợ càng lúc càng gầy do lao động vất vả thì tôi càng phải tự nhủ với bản thân phải cố gắng hơn nữa”, ông nói.
Nghĩ về vợ, nghĩ về con nên dù chịu án tù ông vẫn chưa một lần có suy nghĩ tiêu cực. Cũng vì nỗ lực đó, cùng với sự khoan hồng của pháp luật, bản án của ông từ chung thân xuống 20 năm, rồi đặc xá ra tù trước thời hạn. Lúc ông đặt chân về nhà cũng là kết thúc 14 năm 4 tháng 15 ngày để trả giá cho tội lỗi đã gây ra.
Điển hình kinh tế tiêu biểu
Trở về với gia đình, ban đầu ông Đức cũng vô cùng mặc cảm với người dân và sợ mọi người sẽ xa lánh. Thế nhưng, ông tự nhủ mình không thể ngại ngùng được nữa, phải nỗ lực bù đắp cho gia đình những ngày ở tù. Vì vậy, ông mạnh dạn nhận thầu đất trống, đồi trọc của xã để tiếp tục trồng rừng, phát triển kinh tế theo hướng trang trại.
“Trở về, tôi nhận thấy chính quyền địa phương, người dân hàng xóm không hề xa lánh, ghét bỏ gì mình. Thậm chí nhiều lúc họ còn chủ động hỏi han, giúp đỡ gia đình tôi. Điều đó giúp tôi vững tin làm lại cuộc đời, trở thành công dân tốt, có ích”, ông nói.
10 năm trôi qua, đất không phụ công người. Đàn bò của gia đình cũng đã tăng lên. Mỗi năm trung bình thu về khoảng 150 triệu đồng chủ yếu tiền bán cam, ổi và bò. Đó là chưa kể đến hàng chục hec-ta rừng chưa thể tính được thu nhập hàng năm.
Cũng vì vậy, nhiều năm liền ông được công nhận là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã Giai Xuân. Đặc biệt, năm 2020, ông Nguyễn Tấn Đức được công nhận điển hình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện; được Công an huyện Tân Kỳ công nhận là điển hình tái hòa nhập cộng đồng.
Nói về chồng, bà Đoàn Thị Hiền (SN 1964, vợ ông Đức) nhớ lại: “Tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường, có nằm mơ cũng không nghĩ rằng chồng mình sẽ phải vào tù. Thời điểm đó, nhiều đêm tôi nằm khóc ướt gối nghĩ về tương lai sẽ phải làm sao để nuôi các con bây giờ”.
Thế nhưng, với nghị lực kiên cường của người mẹ, bà Hiền vẫn cố gắng làm việc và chờ đợi chồng ra tù. Chính vì sự dũng cảm và niềm tin đó, cuối cùng bà đã chờ được chồng trở về. Cũng như ông Đức, dù bước ngoặt đột ngột nhưng bà chưa bao giờ mất niềm tin, vẫn luôn cố gắng.
Giờ đây, sau vụ mùa cam, ông bà có thể nhàn nhã ngồi nghỉ ngơi uống trà, ăn cam, thưởng thức quả ổi ngọt lành của gia đình. Nhìn đôi bàn tay gầy guộc, thô rát của vợ, bất giác ông lại đau lòng. Có những điều muốn nói nhưng không thể mở lời được, vì vậy ông nắm lấy bàn tay ấy vỗ về, an ủi.
Trao đổi về người “cựu tù”, Thiếu tá Phan Văn Vinh - Trưởng Công an xã Giai Xuân cho biết: “Sau khi mãn hạn tù, ông Nguyễn Tấn Đức luôn chấp hành tốt pháp luật, nỗ lực phấn đấu trong xây dựng phát triển kinh tế. Ông Đức luôn đi đầu trong việc tuyên tuyền phổ biến pháp luật đến người dân và là tấm gương điển hình tiên tiến trong tái hòa nhập cộng đồng”.