Đã có 5.545 ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Đã có 5.545 ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Chủ nhật, 22/05/2022 08:22

Bộ Y tế nêu rõ, bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm, lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố.

Đã có hơn 5.500 ca tay chân miệng, Bộ Y tế cảnh báo dịch gia tăng

Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Bình Thuận.

So với cùng kỳ năm 2021, số mắc giảm 83,3%, tử vong giảm 9 trường hợp. Tuy nhiên, số mắc có xu hướng gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM cho biết số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết tại địa phương lớn nhất cả nước này tiếp tục gia tăng so với trung bình 4 tuần trước đó.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, TP ghi nhận gần 1.600 ca, trong đó 96% trẻ ở độ tuổi từ 1 - 5. Tuy nhiên, từ ngày 6 đến 12/5, Tp.HCM ghi nhận thêm 628 ca, tăng gần gấp 3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.

Bộ Y tế nêu rõ, bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 9-11 hằng năm.

Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên; việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch,.... gia tăng trở lại sau khi đã kiểm soát dịch Covid-19 và hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Sức khỏe - Đã có 5.545 ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Tăng cường phát hiện sớm các trường hợp mắc tay chân miệng tại cơ sở y tế. Ảnh: Hà Nội Mới.

Cần xử lý triệt để các ổ dịch tay chân miệng

Nhằm chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, trong đó tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch..

Bộ Y tế cũng đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Đồng thời, củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

“Riêng đối với các bệnh viện, cần tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Bên cạnh đó, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong”, Bộ Y tế nêu rõ.

Bộ Y tế cũng đặc biệt lưu ý các cơ sở y tế thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo, đặc biệt lây giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Đối với Sở GD&ĐT các địa phương, Bộ Y tế mong muốn ngành giáo dục chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học về các biện pháp phòng, chống bệnh này trong trường học... Cùng với đó, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể… Khi phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Ngoài ra, tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, nhất là y tế cơ sở.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ngành y tế tăng cường truyền thông về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Thực hiện tuyên truyền tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình...

Sức khỏe - Đã có 5.545 ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn (Hình 2).

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh chân tay miệng

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ em qua các giai đoạn như:

-Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3-7 ngày.

-Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

-Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:

Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

Sốt nhẹ, nôn: Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Sức khỏe - Đã có 5.545 ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn (Hình 3).

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng chống, Sở y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Trúc Chi (t/h Dân Trí, Dân Việt)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.