Trung Quốc đã xác nhận tổng cộng có 14 người đã bị nhiễm virus H7N9, trong đó có một cháu bé 4 tuổi, hiện đang trong quá trình hồi phục. Tất cả các trường hợp nhiễm cúm đều xảy ra ở khu vực phía Đông Trung Quốc.
Chủng cúm này chưa thấy có dấu hiệu lây truyền từ người sang người, tuy nhiên các nhà chức trách tại Hong Kong đã tăng cường cảnh báo sơ bộ và thực hiện các biện pháp phòng tránh tại khu vực sân bay.
Tại Nhật, nhiều sân bay đã thực hiện dán áp phích tại các địa điểm ra vào cảnh báo tất cả các hành khách từ Trung Quốc cần phải được kiểm tra y tế nếu có họ nghi ngờ mình mắc cúm gia cầm.
Trung tâm phòng tránh và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết họ đã bắt đầu điều chế vacxin. Có thể sẽ phải mất 5 đến 6 tháng để bắt đầu sản xuất thương mại loại vacxin này.
Hiện Trung Quốc đang phân tích các mẫu xét nghiệm để xác định loại tốt nhất sẽ được dùng để sản xuất vacxin nếu cần thiết. Bất cứ quyết định nào đối với việc sản xuất vacxin hàng loạt chống lại virus H7N9 sẽ đều phải được kiểm soát chặt chẽ. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc phải hy sinh việc sản xuất vacxin chống virus cúm theo mùa.
Sanofi Pasteur, một công ty sản xuất vacxin cúm lớn nhất thế giới cho biết họ đang tiếp tục liên lạc với tổ chức WHO thông qua Liên đoàn các nhà sản xuất dược phẩm quốc tế và các Hiệp Hội (IFPMA).
Theo WHO, các kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy chủng dịch cúm mới có phản ứng với điều trị bằng thuốc Tamiflu của Roche và Relenza của GSK.
Trang Trần (Theo Reuters)