Trao đổi với báo chí sáng 16/9, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh, với cơ địa khỏe mạnh, người mắc virus Adeno có thể tự khỏi nhưng với bệnh nhân bệnh nền, sức đề kháng kém dễ suy hô hấp, nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị sớm, người bệnh có thể tử vong.
Những đối tượng nào dễ trở nặng, nguy cơ tử vong khi nhiễm virus Adeno?
Từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh nhiễm virus Adeno dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương gia tăng đột biến. Cụ thể tính đến ngày 12/9/2022, tổng số ca nhiễm virus Adeno được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó có 6 bệnh nhân tử vong có nhiễm virus Adeno.
Thông tin thêm về các bệnh nhi đang điều trị tại tai Trung tâm Hô hấp, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh cho biết, hầu hết bệnh nhân nhiễm Adeno vào Trung tâm Hô hấp đều có viêm phổi, khó thở hoặc suy hô hấp. Đầu tháng 8/2022 đến nay, trong số hơn 70 bệnh nhân vào Trung tâm hầu hết viêm phổi nặng, trong đó 30-40% suy hô hấp.
Đa số bệnh nhân điều trị khỏi bệnh trong vòng 10 ngày đến 2 tuần. Bệnh nhân tử vong rất ít xảy ra và xảy ra trên bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như mắc bệnh nền, suy dinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mãn tính…
"Hiện trung tâm đang điều trị cho 25 bệnh nhân viêm phổi do Adeno, trong đó khoảng 15 bệnh nhân thở oxy nhưng không có bệnh nhân nào nặng", PGS.TS Hồng Hanh thông tin.
Triệu chứng viêm phổi do virus Adeno rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác.
Giám đốc Trung tâm Hô hấp cũng thông tin thêm: Nhiều nghiên cứu của các nước trên thế giới cho thấy viêm phổi do virus Adeno có thể trở thành dịch và những dịch này thông thường hay tăng lên sau các đợt dịch sởi, cúm.
"Việt Nam vừa trải qua dịch Covid-19, Cúm A vì vậy khả năng tỷ lệ viêm phổi do Adeno tăng cũng phù hợp", PGS.TS Hồng Hanh nói.
Chuyên gia cho biết, viêm đường hô hấp do virus này rất hay gặp. Virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.
Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân – hè hoặc thu – đông và ở mọi lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc. Ở trẻ em, bệnh hay gặp ở trẻ 6 tháng đến 5 tuổi.
Với người khỏe mạnh, bệnh có thể tự khỏi nhưng với những bệnh nhân có bệnh nền hoặc sức đề kháng kém có thể gây suy hô hấp hoặc nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Triệu chứng viêm phổi do Adeno rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác. Các triệu chứng là bệnh nhân hắt hơi, sổ mũi, sốt. Đặc biệt viêm phổi do Adeno khiến bệnh nhân sốt rất cao, rét run, có ho, khò khè.
Các tổn thương thường gặp nhất do mắc virus Adeno là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não, màng não...
Khuyến cáo từ chuyên gia cách bảo vệ trẻ trước virus Adeno
Đánh giá về virus đang khiến nhiều phụ huynh lo ngại, PGS.TS Hanh chia sẻ: "Viêm phổi hay viêm đường hô hấp do virus Adeno là bệnh cấp tính, diễn biến kéo dài và có thể để lại hậu quả nặng nề".
PGS.TS Hanh cũng khẳng định chưa có nghiên cứu giữa tương quan nhiễm COVID-19 ở trẻ và viêm phổi do Adeno bởi vì trước khi có dịch COVID-19 xảy ra, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận các ca mắc Adeno đến khám và điều trị.
Để phòng bệnh lý hô hấp nói chung và viêm phổi do Adeno nói riêng, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ. Trẻ có sức đề kháng tốt sẽ chống được việc nhiễm virus đường hô hấp cũng như các virus khác.
"Ít nhất 6 tháng đầu nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và nên cho bú kéo dài đến 2 tuổi"- PGS.TS Hồng Hanh lưu ý.
Vào tuổi ăn dặm, trẻ cần ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Phụ huynh cũng phải lưu ý vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên bằng cách nhỏ mũi với nước muối sinh lý hàng ngày. Phụ huynh tránh để trẻ nhiễm lạnh và đừng để trẻ chơi, vã nhiều mồ hôi gây ra nhiễm lạnh.
"Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo phụ huynh cũng như trẻ cần rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Ngoài ra, trẻ cũng cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine để phòng các bệnh lý hô hấp khác", PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh nói.
Cùng đó, người chăm sóc cần tránh để trẻ tiếp xúc trẻ nguồn lây bệnh. Khi trẻ sốt nhưng không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc mệt, ho, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám kịp thời.
Khi bệnh nhân mắc virus Adeno nhập viện sẽ được cách ly, bệnh nhân sốt cao sẽ được dùng hạ sốt kịp thời, phải chống suy hô hấp. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh khi có viêm nhiễm phổi nặng.
"Tổ chức Y tế thế giới chưa có khuyến cáo dùng thuốc kháng virus cho đồng loạt trẻ nhiễm virus Adeno và vaccine bệnh này cũng đang được nghiên cứu vì vậy việc phòng bệnh là chủ yếu"- PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh nhấn mạnh.
Theo Sức khỏe & Đời sống