Tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu tất yếu
Tính từ ngày 1/1/2022 đến nay, các tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được 9.263 vụ án. Đây là thông tin được Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Văn Du trình bày tại Báo cáo tóm tắt tham luận về công tác triển khai thi hành Nghị quyết số 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến tại hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội tổ chức ngày 6/9.
Báo cáo nêu rõ, một trong những giải pháp đột phá đó là việc Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động đề xuất và được Quốc hội chấp nhận, ban hành Nghị quyết số 33 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Việc đề xuất tổ chức phiên tòa trực tuyến xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác xét xử trong bối cảnh cả nước triển khai các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19; là nhu cầu tất yếu, hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cam kết quốc tế, thể hiện việc thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới trong thời đại số và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Để bảo đảm các điều kiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho các tòa án tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, ngay sau khi Nghị quyết số 33 có hiệu lực pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ báo cáo UBTVQH bổ sung dự án “Trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa xét xử trực tuyến” vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và đã được Quốc hội chấp nhận.
Về tình hình tổ chức phiên tòa trực tuyến, đến nay, cả nước đã có 691 tòa án đã tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến (3 TAND cấp cao; 63 TAND cấp tỉnh và 625 TAND cấp huyện).
Một số tòa án tổ chức được nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến như: TAND cấp cao tại Đà Nẵng (710 vụ), TAND thành phố Thủ Đức (612 vụ), TAND thành phố Hồ Chí Minh (182 vụ), TAND tỉnh Quảng Ngãi (161 vụ), TAND thành phố Vinh (159 vụ),…
Ông Du khẳng định, việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến đã được thực hiện theo đúng yêu cầu và trình tự, thủ tục quy định tại Nghị quyết số 33, Thông tư liên tịch số 05, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng.
Không ảnh hưởng đến chất lượng xét xử
Thực tế triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đã giúp hạn chế tập trung đông người tại phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định.
Việc xét xử trực tuyến đối với các vụ án hình sự, vừa đảm bảo tính nhân văn trong quá trình giải quyết các vụ án (đối với vụ án có liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc bị hại là trẻ em thì không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên tòa).
Đồng thời, việc các bị cáo có thể tham dự phiên tòa tại điểm cầu trại tạm giam, nhà tạm giữ mà không cần phải áp giải các bị cáo từ nơi giam giữ đến tòa án đã giúp tiết kiệm được chi phí dẫn giải, thuận lợi cho việc bảo vệ phiên tòa. Đối với người bị hại, người làm chứng, luật sư,… có thể tham gia phiên tòa tại địa điểm khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử giúp họ dễ dàng tham gia hoạt động xét xử, từ đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn.
Cùng với đó, việc xét xử trực tuyến các vụ án dân sự đã giúp tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải quyết nhiều vụ án đã sắp hết thời hạn nhưng không thể đưa ra xét xử do không triệu tập được đầy đủ đương sự, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa; tiết kiệm được chi phí cho đương sự khi phải trực tiếp đến tòa án tham dự phiên tòa.
Nhìn chung, việc xét xử theo hình thức trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng xét xử mà còn giúp cho tòa án giải quyết tình trạng hoãn các phiên tòa do vắng mặt bị cáo và những người tham gia tố tụng vì nhiều lý do khách quan.
Ngoài ra, việc xét xử trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; bảo đảm việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ việc, giảm thiểu chi phí, thời gian, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án.
Ông Du khẳng định, kết quả trên cho thấy chủ trương của Quốc hội cho phép tòa án nhân dân tổ chức phương thức xét xử bằng hình thức trực tuyến là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của các tòa án; đáp ứng việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng như xu thế chung của các nền tư pháp tiên tiến trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Du chỉ rõ việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Việc bố trí nguồn lực kinh phí thực hiện trang bị cơ sở vật chất để tổ chức phiên tòa trực tuyến còn chậm, dẫn đến nhiều khó khăn khi tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị quyết số 33, hình thức xét xử trực tuyến mới được áp dụng cho việc tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án mà chưa được áp dụng cho các phiên họp để giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án...
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đề xuất, kiến nghị quá trình xem xét ban hành chính sách cần đồng thời xem xét việc bố trí nguồn lực để thực hiện, tránh tình trạng khi chính sách được thông qua nhưng không đủ nguồn lực thực hiện sẽ không đáp ứng được yêu cầu về tính kịp thời của chính sách.
Đồng thời, hoàn thiện pháp luật về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng các thủ tục tố tụng trực tuyến không chỉ trong việc tổ chức phiên tòa xét xử vụ các án mà kể cả các phiên họp giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án; không quy định giới hạn số lượng điểm cầu thành phần…
Đề xuất Quốc hội hoàn thiện pháp luật về tố tụng điện tử nói chung tạo hành lang pháp lý không chỉ cho việc xét xử trực tuyến mà còn cho cả việc xây dựng tòa án điện tử trong tương lai.
Đại diện lãnh đạo TANDTC cũng đề nghị các cơ quan có liên quan tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao trong việc hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến.