Theo quy định tại Điều 650 bộ luật Dân sự, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong các trường hợp không có di chúc, di chúc không hợp pháp, những người hưởng thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc…
Có thể thấy, mặc dù đã có di chúc nhưng di sản thừa kế vẫn có thể được chia theo pháp luật trong các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất, di chúc không hợp pháp.
Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện theo Điều 630 bộ luật Dân sự.
Di chúc phải lập bằng văn bản (theo Điều 627 bộ luật Dân sự), có thể có người làm chứng hoặc có công chứng, chứng thực. Nếu không thể lập được bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Trong đó, di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Người để lại di chúc thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng.
- Ngay sau khi người để lại di chúc thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày người này thể hiện ý chí cuối cùng thì phải công chứng hoặc chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Chỉ khi đáp ứng được các điều kiện nêu trên, di chúc mới được coi là hợp pháp. Ngược lại, nếu thiếu một trong số đó, di chúc sẽ không được coi là hợp pháp và di sản sẽ được chia theo pháp luật.
Trường hợp thứ hai, người hưởng di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc.
Theo quy định tại Điều 613 bộ luật Dân sự, người thừa kế là cá nhân:
- Phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế.
- Đã sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản thừa kế chết.
Nếu không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trong đó, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết (Điều 611 bộ luật Dân sự).
Trường hợp thứ ba, người hưởng di chúc không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Cụ thể, những người quy định tại Điều 621 bộ luật Dân sự không được hưởng di sản:
- Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
- Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
- Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
- Có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Ngoài ra, những người được hưởng thừa kế theo di chúc nhưng từ chối nhận di sản thì di sản sẽ được chia theo pháp luật.
Đồng thời, nếu một phần di sản theo di chúc thuộc các trường hợp nêu trên thì phần di sản đó cũng được chia theo pháp luật.
Hoàng Mai