Liên quan đến vụ việc VTVcab bất ngờ cắt 23 kênh truyền hình có lượng theo dõi lớn trên thế giới để thay thế bằng 12 kênh mới đang gây xôn xao dư luận mấy ngày vừa qua, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về vấn đề này.
Theo chia sẻ của ông Hùng, hiện ông đang nắm trong tay một số bộ hồ sơ của các khách hàng VTVcab gửi đến hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhờ lên tiếng. Đa phần những khách hàng này đều thể hiện sự bất bình trước cách xử lý của nhà cung cấp dịch vụ là VTVcab.
Qua phân tích một số bộ hồ sơ cho thấy đang có những điều khoản bất bình đẳng trong hợp đồng giữa các khách hàng và Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam.
Cụ thể, về phần trách nhiệm quyền hạn của khách hàng có quy định, không được lấy các nội dung thông tin từ hệ thống truyền hình cáp để kinh doanh, in sao, phát hành hoặc phân phối dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, ngược lại ở phần quyền hạn, trách nhiệm của VTVcab thì lại không có bất kỳ điều khoản nào về trách nhiệm bảo mật thông tin cho người tiêu dùng. Mặc dù đây là một trong những điều được quy định rõ trong luật Bảo vệ người tiêu dùng là thông tin người tiêu dùng phải được bảo mật.
“Cũng trong hợp đồng này, khách hàng không được hoàn trả lại giá trị hợp đồng, phải thực hiện thanh toán đầy đủ các khoản liên quan. Điều này được hiểu là nếu khách hàng muốn hủy hợp đồng, cho dù tiền đã trả trước cả năm thì sẽ không được hoàn lại. Điều này thể hiện sự bất bình đẳng bởi lẽ, bên thực hiện vi phạm các quy định của hợp đồng là VTVcab chứ không phải là khách hàng”, ông Hùng cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, tại khoản 3.2, điều 3 của bản hợp đồng mẫu thì bên B (VTVcab) được quyền kiểm tra việc sử dụng dịch vụ truyền hình cáp liên quan đến quy định hiện hành của Nhà nước. Trong trường hợp phát hiện bên A (khách hàng) sử dụng dịch vụ VTVcab vào các hoạt động có mục đích gây rối, phá hoại an ninh quốc gia hoặc kinh doanh bất hợp pháp thì Công ty đơn phương hủy bỏ hợp đồng đã ký, đồng thời có thể đề nghị truy tố trước pháp luật”.
Như vậy, ở đây VTVcab có quyền đề nghị truy tố khách hàng trước pháp luật nhưng chẳng có điều nào quy định ngược lại. Đây là một sự bất bình đẳng rất lớn giữa hai bên.
“Còn nhiều vấn đề không rõ ràng trong quy định của các hợp đồng này. Ví dụ như bên B có thể thay đổi các chương trình trong một số trường hợp, trong đó có “phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân”. Thế nào là phục vụ tốt hơn? Anh có thể khẳng định được điều này kể cả khi không có khảo sát ý kiến khách hàng của mình? VTVcab có thể đã lấy ý kiến của các chuyên gia nhưng theo tôi, trong trường hợp này chỉ các chuyên gia thôi thì chưa đủ, họ không phải đại diện cho tất cả khách hàng”, ông Hùng cho biết thêm sau khi nhắc lại con số hơn 5.000 khách hàng đã gọi điện đến đường dây nóng của VTVcab để chất vấn vụ “tráo kênh”.
Không chỉ đại diện của hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, nhiều chuyên gia khác cũng chia sẻ xung quanh nội dung của các kênh vừa bị thay thế. Theo đó, có nhiều kênh phục vụ cho nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Việc VTVcab cho rằng người dân bình tĩnh chờ để thấy được cái hay của các kênh mới là một sự giải thích không đủ sức thuyết phục.
“Trong khi các kênh nổi tiếng thì bị cắt, các kênh thay vào bị xếp loại thấp hơn mà bảo là tốt hơn thì nhà đài chủ quan quá. Chưa kể đến việc như vậy là đưa thông tin không chính xác. Một trong những quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng là có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà mình sử dụng nhưng ở đây thì không”.
“Trách nhiệm của VTVcab là phải thông báo cụ thể đến khách hàng của mình nếu có ý định đổi kênh. Họ đã không thực hiện nghiêm túc thì phải thừa nhận sai và sửa chứ không phải chỉ lên tiếng xin lỗi thì xong. Cứ cái gì sai rồi xin lỗi thì lời xin lỗi có trọng lượng gì đâu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.