Là người gắn bó lâu năm với công tác tư pháp TS. Dương Thanh Biểu, nguyên phó viện trưởng VKSNDTC bày tỏ sự bức xúc trước việc mớm cung, dùng nhục hình để lấy lời khai của bị can. Ông cho rằng: "Cần có những nghiên cứu, sửa đổi bộ luật Tố tụng Hình sự để hạn chế tối đa những vụ án oan sai hiện nay".
Không phải vụ án hy hữu
Sau khi Hội đồng Thẩm phán mở phiên tái thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn giết người xảy ra năm 2003 tại Bắc Giang, thống nhất hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Như vậy nếu sau khi điều tra lại, cơ quan điều tra xác định ông Chấn vô tội thì những cá nhân, cơ quan liên quan đến việc khởi tố, truy tố và xét xử oan đối với ông Chấn sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
TS. Dương Thanh Biểu
Với những tình tiết mới trong vụ án và với việc hung thủ thật sự ra đầu thú thì quyết định tái thẩm hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại là hợp lý. Như vậy, nếu hung thủ là một người khác thì rõ ràng trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang đã có những vi phạm nghiệm trọng dẫn đến việc kết tội oan cho ông Chấn. Đây là những hành vi có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp.
Theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra của VKSNDTC có thẩm quyền điều tra các loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Theo thông tin báo chí, trong việc dẫn đến oan sai cho ông Chấn, một số cán bộ có vi phạm rất nghiêm trọng trong khi tiến hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi tiến hành các công tác điều tra xử lý, thiết nghĩ cũng cần phải tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện của việc làm sai đó. Do điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán làm sai rồi báo cáo cấp trên hay do chỉ đạo của cấp trên dẫn đến việc làm sai... Nghĩa là khi xem xét, xử lý phải hết sức khách quan, toàn diện.
Việc một phạm nhân được tạm tha sau 10 năm ngồi tù có dấu hiệu oan sai có phải là vụ án hy hữu trong ngành tố tụng không, thưa ông?
Cũng phải thừa nhận rằng, những trường hợp oan sai dù không nhiều nhưng vẫn diễn ra. Như những năm của thập kỷ 90, vụ án Huỳnh Văn Nam ở Đồng Nai bị tuyên phạt tử hình về tội giết người cướp của cũng từng gây rúng động dư luận.. Nhưng khi Ủy ban giám sát vào làm việc, thấy có rất nhiều dấu hiệu cho thấy ông ấy bị oan, đến khi gần có kết luận cuối cùng rồi thì ông ấy đã bị chết.
Ngoài ra, vụ án vườn điều ở Bình Thuận với hai lần xét xử sơ thẩm và hai lần xét xử phúc thẩm vẫn trở thành "điểm nóng" trong hoạt động tư pháp tại Việt Nam suốt 7 năm, cuối cùng vụ án mới được sáng tỏ.
Và còn rất nhiều vụ oan sai khác và cơ quan tố tụng phải bồi thường đến tiền tỷ. Như vụ án Nguyễn Ngọc Phi ở Thái Bình, ông này bị tuyên phạt án 17 năm tù với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Tuy nhiên, sau khi điều tra lại, VKSND tỉnh ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Lương Ngọc Phi đồng thời HĐXX tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi số tiền trên 21 tỷ đồng. Đây cũng là những bài học mà bản thân ngành tư pháp cần rút kinh nghiệm sâu sắc...
“Người tù chung thân” Nguyễn Thanh Chấn trong ngày trở về.
Ngăn chặn sự ép cung, mớm cung của cơ quan điều tra
Vậy theo ông, nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án oan sai là do đâu?
Nghiên cứu các vụ án oan trên đây có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân phổ biến là do bị bức cung, mớm cung và dùng nhục hình. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới cũng mắc phải. Đối với các nước tiên tiến, họ đã có cách khắc phục tình trạng này: Bất cứ bản cung nào đều phải có 2 điều kiện mới được coi là hợp pháp. Một là, các bản cung phải có luật sư tham gia; Hai là, phải có băng ghi âm buổi hỏi cung đó. Tôi cho rằng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện nay, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về vấn đề này như thế nào để bảo đảm việc điều tra phải được khách quan, toàn diện.
Được biết, công đầu trong việc phát hiện oan sai của vụ án này là nhờ sự tố cáo quyết liệt của ông Chấn và người nhà ông Chấn. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Phải khẳng địn ông Chấn và người nhà của ông Chấn đã có rất nhiều đơn tố cáo việc điều tra, truy tố và xét xử vụ án trước đây là oan sai. Tuy nhiên những đơn từ đó chưa được các các cơ quan giải quyết thấu đáo. Chỉ đến khi cơ quan điều tra VKSNDTC vào cuộc thì sự việc mới được làm sáng tỏ. Trong quá trình điều tra làm rõ hung thủ theo đơn tố cáo, cơ quan điều tra VKSNDTC đã mất rất nhiều công sức để điều tra làm rõ. Từ đồng chí Viện trưởng đến các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC đã trực tiếp nghe và chỉ đạo sát sao và huy động lực lượng tinh nhuệ, phương tiện hiện đại nên mới làm rõ được vấn đề như hôm nay. Cho nên khi đánh giá, bình luận về kết quả điều tra vụ án chúng ta cũng phải hết sức công bằng, khách quan.
Được biết không phải bây giờ mà trước đây, gia đình ông Chấn đã gửi đơn kêu oan rất nhiều và gửi đến các cơ quan chức năng. Vậy trong thời gian công tác tại VKSNDTC, ông đã bao giờ nhận được đơn thư từ gia đình ông Chấn chưa?
Bản thân tôi cũng có những thắc mắc như anh. Trong suốt thời gian đó, chúng tôi liên tục rà soát và trả lời đơn thư công dân nhưng không hề nhận được đơn thư của gia đình ông Chấn. Qua các phương tiện thông tin đại chúng vừa qua tôi được biết, gia đình ông Chấn từng gửi đơn lên các cơ quan Trung ương nhưng không gửi đến VKSNDTC và TANDTC. Như vậy họ đã gửi không đúng địa chỉ. Trong khi đó, các cơ quan nhận đơn của người nhà ông Chấn cũng không chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền.
Qua đó cho chúng ta thấy, cần có sự tuyên truyền đến người dân biết được quy trình gửi đơn thư khiếu nại trong hoạt động tư pháp, nhất là khiếu nại lên cấp giám đốc thẩm, tái thẩm. Bên cạnh đó cơ quan có thẩm quyền cũng cần có kế hoạch rà soát đơn thư để những trường hợp án oan sai phải được nghiên cứu giải quyết kịp thời. Với chức năng của mình, VKSNDTC cần có kế hoạch kiểm sát việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
“Khẩn trương điều tra để truy tố, xét xử hung thủ thực sự càng nhanh càng tốt” Trở lại vụ án trên, sau khi Hội đồng Thẩm phán TANDTC tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại, vậy tiếp theo vụ việc được giải quyết theo trình tự như thế nào và sau bao lâu thì ông Chấn sẽ được chứng minh là vô tội, thưa ông? Theo tôi, việc điều tra lại và xét xử lại theo quyết định tái thẩm sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang thực hiện theo thủ tục chung. Chỉ đến khi có bản án tuyên bố ông Chấn không phạm tội thì lúc đó ông Chấn mới được có đơn đề nghị bồi thường. Và lúc đó, các cơ quan có trách nhiệm mới giải quyết việc bồi thường cho ông Chấn. Vì ông Chấn đã ngồi tù hơn 10 năm nên để giải quyết những quyền lợi cho ông Chấn, thiết nghĩ vụ án này phải được làm cẩn thận và khẩn trương. Trong trường hợp này, các cơ quan tư pháp phải xác định đây là vụ án điểm để huy động lực lượng, phương tiện và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Các cơ quan tư pháp Trung ương cũng cần hỗ trợ cơ quan tư pháp địa phương khẩn trương điều tra để truy tố, xét xử hung thủ thực sự càng nhanh càng tốt. |
Cao Tuân