Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan trong thời gian gần đây, giải bóng đá này đang có một vài bước thụt lùi đáng kể về mặt chất lượng. Chất lượng ở đây không chỉ là về sức hấp dẫn của các trận đấu, vốn là sản phẩm chính, mà còn về khâu tổ chức, chuẩn bị cũng như cung cách vận hành hệ thống. Giờ đây, giải bóng đá Đức đang dần thu hút nhiều sự chú ý, nổi lên như môt hình mẫu khác.
Bundesliga ít được người ta chú ý vì ở đó ít những “ông lớn”, nghĩa là các đội bóng mạnh về tài chính và có những ông chủ tỉ phú đứng sau hỗ trợ. Nhưng rất bất ngờ, đây mới là yếu tố giúp các đội bóng Đức phát triển một cách bền vững. Họ luôn cân bằng được thu chi, tiền tiêu hiếm khi bị trội so với tiền thu, và quan trọng nhất là tần suất các khoản nợ khổng lồ trở nên ít hơn, khiến cho đội bóng không phải oằn mình tìm cách thoát nạn.
Bóng đá Anh nên học bóng đá Đức nhiều thứ.
Hầu hết các đội bóng tại Bundesliga đều có chung một dạng sở hữu, đó là các fan. Hiện trạng này diễn ra do một yêu cầu từ Liên Đoàn Bóng Đá Đức, tên gọi là “Bộ Luật 50+1”, nghĩa là các cổ động viên sở hữu một cổ phần lớn của đội bóng. Khi luật này được áp dụng, nó sẽ giúp các câu lạc bộ tránh được sự bất ổn về tài chính, một mối lo đang tồn tại trong hầu hết các đội bóng tại Anh. Nguyên nhân? Đó là do khi các cổ động viên nắm giữ một phần đội bóng, họ sẽ tránh được việc phụ thuộc thái quá vào túi tiền các ông chủ và nhà đầu tư, đặc biệt là vào những thời điểm kinh tế khó khăn.
Premier League vẫn được xem là một trong những giải đấu hay nhất trên thế giới. Tuy nhiên sự “tham lam” trong khâu điều phối tài chính của các đội bóng đang có những tác động nặng nề và tiêu cực lên nét đẹp các trận đấu nơi đây. Điển hình là giá vé cho một trận đấu tại Anh đắt hơn rất, rất nhiều so với một trận đấu tại Đức. Các nhà tài trợ lớn đang bắt đầu ngoảnh mặt do những yêu cầu có phần thái quá từ đối tác. Thậm chí sức mạnh của các đội bóng hàng đầu nước Anh cũng chưa chắc đã trội hơn, với việc M.U bị loại và Arsenal cũng đang trên bờ vực đó, bóng đá Anh đang đối diện với nguy cơ không còn một đại diện tại Champions League. Để đối phó với vấn đề này, FA nên đặt ra một qui định tài chính nghiêm khắc nhằm xử phạt trong lĩnh vực chuyển nhượng, và điều này họ hoàn toàn có thể học hỏi phần nào từ mô hình của Bundesliga. Bóng đá Đức vẫn luôn có tốc độ phát triển bền vững, từ mặt trận trong nước lẫn quốc tế.
Tuy nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là bóng đá Đức trên tầm bóng đá Anh. Nên nhớ, bóng đá Anh cũng có những yếu tố vô cùng quan trọng và hiệu quả. Có thể kể đến tiếp thị, quảng bá, tạo sức hút dư luận hay sự cạnh tranh đồng đều, đặc biệt những lĩnh vực đó sẽ có tác động đến sự chú ý trên toàn thế giới. Do đó, nguồn lợi từ những yếu tố này là không thể đong đếm, đặc biệt là về mặt giá trị hình ảnh. Có thể nói, hai nền bóng đá đều có những đặc thù, điểm mạnh và điểm yếu riêng mà mỗi bên nên học hỏi và cải thiện. Không thể vội kết luận nền bóng đá nước nào phát triển hơn. Nhưng để giúp cho các câu lạc bộ có một sự phát triển bền vững và lâu dài, Bundesliga thật đáng để học tập.
Tô Tùng (Thể thao văn hóa)