Việc các đoàn kiểm tra bắt quả tang và xử lý hành chính các đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán dâm nam, đồng tính tại hai khách sạn và một spa ở TP.HCM một lần nữa cho thấy tệ nạn mại dâm đang ngày một biến tướng. Không những thế, nó còn manh nha nhiều hình thức mại dâm mới, trong đó giới tính của đối tượng mua bán dâm ngày càng đa dạng.
PV báo Nguoiduatin.vn có cuộc trao đổi với luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật TP.HCM, Hội Luật gia Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Thưa luật gia, hiện luật pháp của Việt Nam đã có văn bản nào quy định những điều luật xử phạt mại dâm nam, mại dâm đồng tính chưa?
Hiện nay, chúng ta có Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ. Đây là các văn bản pháp luật điều chỉnh về phòng, chống mại dâm, trong đó có quy định về xử phạt các hoạt động liên quan đến mại dâm.
Các văn bản này không định nghĩa hành vi bán dâm, mua dâm hay mại dâm dựa trên yếu tố giới tính. Do đó, người nào thực hiện hành vi được mô tả trong quy định pháp luật thì người đó thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định pháp luật. Thế nên, mại dâm nam, mại dâm đồng tính vẫn được các văn bản kể trên điều chỉnh.
Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội cũng điều chỉnh một số trường hợp cụ thể đối với các hành vi mại dâm, liên quan đến mại dâm, nên các văn bản này cũng được áp dụng khi có liên quan đến mại dâm nam, mại dâm đồng tính.
Luật gia Đặng Đình Thịnh.
Trong khi vấn đề mại dâm nữ mặc dù đã tồn tại rất lâu và chúng ta vẫn còn tranh cãi về việc cần xử lý như thế nào để giải quyết gốc rễ vấn đề. Và nên hay không nên hợp thức hóa mại dâm nữ, thì trong xã hội lại bùng phát những loại hình mại dâm khác như mại dâm đồng tính, mại dâm nam. Phải chăng các chế tài pháp lý hiện nay chưa đủ mạnh để ngăn chặn tệ nạn này?
Hoạt động mại dâm ngày càng bùng nổ và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, không đơn thuần vì các chế tài pháp lý hiện nay chưa đủ mạnh để ngăn chặn mà nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó yếu tố ý thức của mỗi người, vấn đề giáo dục đạo đức ngay từ trên ghế nhà trường cũng là điều nên làm, để hạn chế tệ nạn này.
Thời gian gần đây, như một số nghiên cứu khoa học và báo chí đã cảnh báo chính sự bùng nổ của công nghệ thông tin, ai ai cũng dễ dàng tiếp xúc được văn hóa phẩm đồi trụy, những dịch vụ mại dâm từ mạng xã hội, ví như chỉ cần một cuộc điện thoại, một tin nhắn chúng ta đã có thể tiếp xúc được một dịch vụ mại dâm. Điều này cho thấy để giải quyết vấn đề này một cách triệt để không phải căn cứ vào các chế tài của pháp luật là có thể thành công.
Thực tế cho thấy, mại dâm nam đang gây ra những hậu quả nguy hại, gây băng hoại đạo đức xã hội. Nên chăng đã đến lúc chúng ta cần sửa luật, để có những chế tài đủ mạnh xử lý thực trạng này?
Theo tôi, để giải quyết gốc rễ vấn đề mại dâm thì không chỉ chú trọng đến sự nghiêm minh, mức độ xử phạt mạnh hay yếu của chế tài pháp lý. Lâu nay, chúng ta cấm đoán, thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm nhưng đều không mang lại hiệu quả như mong muốn, vấn đề mại dâm vẫn diễn ra và ngày càng phức tạp.
Đã đến lúc chúng ta cần thấy rằng nhu cầu sinh lý cũng giống như các nhu cầu tự thân khác của con người (như ăn, uống, nghỉ ngơi...), đều là nhu cầu tự nhiên, bình thường. Đứng dưới góc độ của người mua dâm, đặc biệt là những người vì hoàn cảnh mà không được đáp ứng nhu cầu này (như cuộc sống gia đình dở dang, sống đơn thân...) thì đây có thể coi là nhu cầu chính đáng.
Tình trạng này một lần nữa lại khiến dư luận đặt ra câu hỏi mà trước đây chúng ta đã tranh cãi rất nhiều, là nên hay không nên công khai cả danh tính người mua dâm? Ở góc độ pháp lý, cả người mua và bán dâm đều vi phạm pháp luật. Vậy nhưng có vẻ người mua dâm vẫn được pháp luật và xã hội "bảo vệ" hơn so với đối tượng bán dâm? Như vậy pháp luật liệu có công bằng?
Theo tôi thì không nên công khai danh tính của người mua dâm vì vấn đề tình dục là nhu cầu tự thân của mỗi người. Việc nêu danh tính của họ sẽ ảnh hưởng đến đời sống hạnh phúc và danh dự, trong khi pháp luật chưa cho phép hoạt động mại dâm. Vừa qua, chúng ta đã bỏ việc đưa nữ mại dâm bị bắt quả tang vào các trung tâm phục hồi nhân phẩm. Tôi rất hoan nghênh, ủng hộ việc này.
Thực tế cho thấy vì đưa họ vào đó thực ra cũng không đem lại hiệu quả gì, không thực sự hỗ trợ hay giúp họ có được một cuộc sống khác khi ra khỏi trung tâm. Trong khi pháp luật đang cân nhắc việc nên hay không nên hợp thức hóa hoạt động mại dâm thì khi bắt được chỉ nên xử phạt hành chính, nhắc nhở khuyên răn họ. Như vậy sẽ là nhân văn hơn đối với các đối tượng mua và bán dâm.
Có ý kiến cho rằng, nên hình thành một khu trú hoạt động mại dâm ở khu vực nhất định, như một khu "giới hạn đỏ" để dễ kiểm soát. Quan điểm của luật gia về đề xuất này như thế nào?
Chúng ta nên xem xét, tham khảo mô hình của một số nước như Singapore, Thái Lan, bang Neveda của Mỹ, Australia... Đồng thời, cân nhắc lợi ích từ việc hợp thức hóa hoạt động mại dâm mang lại như: Nhà nước có thể quản lý, kiểm soát hoạt động mại dâm; có thể làm giảm các vụ án hình sự liên quan đến hoạt động mại dâm, hiếp dâm; kiểm tra được vấn đề sức khỏe, khám chữa bệnh từ hoạt động mại dâm..., không để tràn ra ngoài xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Mại dâm không còn đơn giản là những hành vi lệch chuẩn... Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh, chuyên viên nghiên cứu các vấn đề xã hội TP.HCM cho rằng: "Tình dục thực chất không phải là điều gì xấu xa. Nó là nhu cầu thiết yếu, mà cũng rất nhân bản của con người. Tuy nhiên, lối sống buông thả, trụy lạc, ưa hưởng thụ đang biến con người dần trở thành những nô lệ của tình dục. Nam giới bán dâm không hẳn là vì tiền như mại dâm nữ, mà còn vì nhu cầu tình dục của họ sẽ được thỏa mãn. Mại dâm không còn đơn giản là những hành vi lệch chuẩn, nó đã trở thành căn bệnh khó chữa của xã hội, một vấn nạn mà đời này qua đời khác con người loay hoay tìm cách ngăn chặn. Cá nhân tôi cho rằng mại dâm cũng chỉ đơn giản là một hình thức mua bán. Nhưng những hệ lụy mà nó tạo ra mới là những thứ khiến xã hội hoảng sợ mà tìm cách tiêu diệt. Nhưng nó vẫn bùng phát vì nhiều lý do, trong đó cơ bản nhất là nó gắn liền với yếu tố kinh tế, loại hình mua bán khó kiểm soát, sự quản lý nửa kín nửa hở của chúng ta, và sự phát triển của công nghệ số mà ra". |
Lam Giang - Suối Mai