Xu hướng "nhân hóa" ngày càng gia tăng đang đặt ra những thảo luận về việc cần phải cung cấp những quyền cụ thể cho robot giống như con người, điều đang gây ra những tranh cãi căng thẳng.
Ủy ban Pháp lý của Nghị viện châu Âu là cơ quan đầu tiên đề xuất phân loại các loại robot có khả năng tự điều khiển thành "người điện tử" vào tháng 5/2016.
Theo đó, các loại robot có trí thông minh và nhân cách có thể có quyền và nghĩa vụ cụ thể. Kể từ khi dự thảo xuất bản, đã có nhiều cuộc thảo luận về các vấn đề liên quan đến quyền của robot.
Nói với Daily Star Online, Tiến sĩ Oliver Bendel, giáo sư hệ thống thông tin tại đại học Khoa học và Nghệ thuật Ứng dụng, nói rằng không cần phải cấp cho "người điện tử" quyền nhân thân hay bất kỳ tư cách cá nhân nào do thiếu căn cứ về triết học và đạo đức .
"Bạn chỉ có quyền như vậy nếu bạn có nhận thức về cảm giác, cảm xúc như đau khổ, hoặc nếu bạn có ý thức hoặc ý chí sống. Nếu một ngày nào đó robot có khả năng như vậy chúng sẽ được cấp quyền. Nhưng hiện tại thì không", ông nói.
Tiến sĩ Jordi Vallverdú, nhà triết học và là nhà khoa học điện toán nói rằng, việc trao "nhân quyền" cho robot không phải là "điều gì đó quá nghiêm trọng".
"Theo sự phát triển văn hóa phương tây hiện nay - với các quyền của đàn ông và phụ nữ được công nhận - việc khẳng định rằng các robot sẽ một ngày nào đó được cấp các quyền này" là điều khả thi và bình thường.
Cách đây hơn một năm, một robot AI có tên Sophia đã trở thành người máy đầu tiên trên thế giới được cấp quyền công dân ở Saudi Arabia.