Hưởng BHXH 1 lần có được nhận trợ cấp thất nghiệp không?
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thứ nhất, đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật.
- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Thứ 2, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp:
- Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động xác định thời hạn/không xác định thời hạn.
- Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Lưu ý, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng trợ cấp thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục, được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ 3, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
Lưu ý, trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
Thứ 4, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Chết.
Điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần
Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 95/2013/QH13, người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần nếu thuộc một trong các trường hợp:
Trường hợp 1, đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, trong đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động là:
+ Đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
+ Đủ 55 - 60 tuổi đối với nam, đủ 50 - 55 tuổi đối với nữ và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
+ Đủ 50 - 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.
+ Bất cứ độ tuổi nào khi bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Trường hợp 2, lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đủ 55 tuổi mà khi nghỉ việc chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
Trường hợp 3, ra nước ngoài để định cư.
Trường hợp 4, mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp 5, công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Trường hợp 6, sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
Trong những trường hợp này, nếu có yêu cầu, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sẽ được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành nêu rõ, người lao động tham gia BHXH tự nguyện mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH 1 lần nếu thuộc trường hợp:
- Đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH.
- Ra nước ngoài để định cư.
- Đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 95/2013/QH13 còn đề cập tới trường hợp người lao động tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì cũng được nhận BHXH 1 lần.
Theo như những quy định nêu trên thì những người lao động thuộc trường hợp hưởng Bảo hiểm Xã hội một lần vẫn được nhận trợ cấp thất nghiệp. Khi hoàn tất thủ tục nhận Bảo hiểm Xã hội một lần, người lao động cần giữ bìa sổ có kèm tờ rời xác nhận thời gian đóng Bảo hiểm Thất nghiệp chưa hưởng để nộp cùng hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thủ tục đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần và trợ cấp thất nghiệp
Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm:
1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH).
2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Quyết định thôi việc.
- Quyết định sa thải.
- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc (đối với người lao động làm việc cho doanh nghiệp nhà nước).
- Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, xem thêm Mẫu Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
- Hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng).
- Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động;
- Xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;
- Người lao động không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thì Sở Lao động Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xác nhận và trả lời lại về nội dung trên trong thời hạn 10 ngày làm việc.
3. Sổ bảo hiểm xã hội.
4. Giấy ủy quyền nộp hồ sơ nếu người lao động không trực tiếp nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người được hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
- Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
- Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Nộp trực tiếp đến Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sau đó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Tổ chức bảo hiểm xã hội chi trả tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 5 ngày kề từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính từ ngày thứ 16 theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hồ sơ đề nghị nhận BHXH 1 lần:
- Sổ bảo hiểm xã hội
- Bản chính Đơn đề nghị (Mẫu số 14-HSB)
- Đối với người ra nước ngoài định cư: nộp thêm bản sao Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ:
+ Hộ chiếu do nước ngoài cấp
+ Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài
+ Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
- Đối với người bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng: nộp thêm bản chính trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện tình trạng không tự phục vụ được.
Nếu bị mắc các bệnh khác thì thay bằng bản chính Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên của Hội đồng giám định y khoa thể hiện tình trạng không tự phục vụ được.
- Đối với người thanh toán phí giám định y khoa: nộp thêm bản chính hóa đơn, chứng từ thu phí giám định kèm theo bản chính bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định.
- Đối với sĩ quan, quân nhân, chiến sĩ quân đội: nộp thêm bản chính Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong Quân đội có hưởng phụ cấp khu vực (Mẫu số 04B-HBKV) (nếu có) mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực.
Sau khi có đủ các giấy tờ nêu trên, người lao động nộp trực tiếp hồ sơ cho cơ quan BHXH huyện/tỉnh hoặc thông qua dịch vụ bưu chính.
Nếu nộp theo phương thức giao dịch điện tử thì đăng ký nhận mã xác thực và gửi hồ sơ điện tử đến Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN. Trường hợp chưa chuyển hồ sơ giấy sang định dạng điện tử thì gửi hồ sơ giấy cho cơ quan BHXH qua dịch vụ bưu chính.
Cơ quan BHXH huyện/tỉnh tiếp nhận hồ sơ sẽ đối chiếu bản chính với các giấy tờ là bản sao không có chứng thực và trả lại bản chính cho người lao động.
Tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết cho người lao động.
Hoàng Mai