Khách Trung, Hàn chiếm số lượng lớn
Theo báo cáo mới nhất của sở Du lịch TP.Đà Nẵng, trong 7 tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến Đà Nẵng ước đạt hơn 5 triệu, tăng 8.5% so với 7 tháng đầu năm 2018.
Trong đó khách quốc tế đạt 1,9 triệu lượt, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2018, khách nội địa đạt 3,1 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng thu du lịch ước đạt gần 17.500 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2018. Dự kiến cả năm 2019 ước đạt 8,19 triệu lượt khách, tăng trong đó nội địa ước đạt 5 triệu lượt, khách quốc tế ước đạt 3,19 triệu lượt.
Lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng chủ yếu từ các thị trường Hàn Quốc với lượng khách ước đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ 2018, chiếm 57%; lượng khách Trung Quốc ước đạt gần 500.000 lượt khách, tăng 18%, chiếm 26%.
Thị trường khách quốc tế đã từng bước đa dạng hóa với sự tăng trưởng khả quan, đặc biệt là thị trường khách Thái Lan tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng 42,9% so với năm 2018, vươn lên vị trí thứ 3 (chiếm 6%) thay thế Nhật Bản (chiếm 4%) trong cơ cấu quốc tịch khách (hiện 1 tuần có trên 60 chuyến bay trực tiếp từ Thái Lan).
Các thị trường khách Đài Loan, Malaysia, Canada có tỉ lệ tăng trưởng trên 50% so với cùng năm 2018, một số thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Úc vẫn duy trì tăng trưởng ổn định lần lượt ở các mức 32,98%, 25% và 23,5%.
Ẩn chứa nhiều hệ lụy
Thượng tá Huỳnh Đức Ngô, Phó Trưởng phòng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.Đà Nẵng đánh giá, lượng khách quốc tế đến TP.Đà Nẵng mỗi năm ngày càng tăng là điều đáng mừng, nhưng vẫn ẩn nhiều hệ lụy phải đối mặt. Chẳng hạn, các mối xung đột giữa người nước ngoài với người nước ngoài, xung đột giữa người nước ngoài với người trong nước… Tất cả đều diễn biến rất phức tạp.
Thực tế cho thấy, có trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh vào nước ta nhằm trốn lệnh truy nã. Hoặc, họ vào Việt Nam bằng hình thức du lịch nhưng thực chất lại hoạt động lữ hành trái phép, hướng dẫn viên trái phép, cho vay nặng lãi, khám, chữa bệnh trái phép.
Một số khác còn thực hiện hành vi cướp giật, lừa đảo… gây phức tạp tình hình an ninh trật tự.
Theo Thượng tá Ngô, sở dĩ có điều này, vì người nước ngoài vào Việt Nam đều do các cá nhân, tổ chức lữ hành người Việt bảo lãnh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn bảo lãnh thu tiền, bao che cho người nước ngoài thay vì quản lý dẫn đến họ có những hoạt động trái phép.
Trong sự việc này, cái sai là từ công ty bảo lãnh. Ngoài ra, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú không cung cấp giấy tờ, cung cấp thông tin đầy đủ của du khách cho cơ quan công an dẫn đến người nước ngoài vi phạm pháp luật.
Việc quản lý người nước ngoài là bài toán nan giải mà chính quyền TP.Đà Năng đang đối mặt. Do đó, các đơn vị lữ hành cần tuân thủ pháp luật, tránh những hệ lụy không hay gây ra.
Thượng tá Huỳnh Đức Ngô khẳng định, lực lượng chức năng sẽ xử lý các công ty lữ hành bảo lãnh cho người nước ngoài vào Việt Nam nhưng để họ vi phạm pháp luật.