Nhiều thành tựu, lắm hạn chế
Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 17 ban Chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng khóa XXI, trong 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế địa phương tiếp tục duy trì tăng trưởng. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn ước tăng 6,21%. Các hoạt động du lịch, thương mại được xúc tiến; khách du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 4,3 triệu lượt, bằng 52,8% KH, tăng 15,1%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 48.150 tỷ đồng, tăng 11,2%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 841 triệu USD, tăng 5,9%.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 tăng 4%. Sản xuất nông nghiệp ước đạt 1.252 tỷ đồng, tăng 2,9%. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước có nhiều khởi sắc; đã thu hút được 2.319,56 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 507,033 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.
Công tác quản lý, điều hành ngân sách được tập trung chỉ đạo; tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 14.722,4 tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán (tăng 9,7% so cùng kỳ); tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 8.216,3 tỷ đồng, bằng 44,8% dự toán... Cùng nhiều thành tựu nổi bật khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, Thành ủy Đà Nẵng cũng thừa nhận, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu có dấu hiệu suy giảm và đạt khá thấp so với kế hoạch, tăng trưởng GRDP đạt 6,21%, thấp hơn so với cùng kỳ.
Một số doanh nghiệp quy mô lớn, tỷ lệ đóng góp cao chững lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, quản trị hành chính công tụt giảm so với các năm trước.
Đặc biệt, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ; việc triển khai thực hiện Thông báo số 331-TB/TU của ban Thường vụ Thành ủy còn kéo dài, hiệu quả chưa cao.
Tiến độ triển khai một số công trình, dự án tuy có chuyển biến nhưng còn chậm; việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục, công tác giải tỏa đền bù, tái định cư còn chậm, ảnh hưởng đến đầu tư, giải ngân vốn xây dựng cơ bản.
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập; quản lý thị trường bất động sản chưa kịp thời, chặt chẽ; tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số khu vực, nhất là ven biển chưa được xử lý triệt để; tình trạng xây dựng không phép, trái phép, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở kinh doanh còn diễn biến khá phức tạp…
Gỡ nút thắt
Tại hội nghị, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các cá nhân trong ban Chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng, lãnh đạo các cơ quan liên quan và cả hệ thống chính trị chung sức hoàn thành tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 và nước rút của nhiệm kỳ.
Vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã vạch ra 8 nhiệm vụ trọng tâm mà theo ông đó là quan trọng, TP.Đà Nẵng cần làm được.
Trong đó, đáng chú ý là việc TP.Đà Nẵng xác định công tác điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; ban Chỉ đạo Đồ án thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý vướng mắc, đảm bảo tiến độ các giai đoạn triển khai theo kế hoạch, hoàn thành các thủ tục liên quan, trình HĐND TP trong năm 2019 để trình cấp thẩm quyền phê duyệt đầu năm 2020.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, vướng mắc trên lĩnh vực đất đai theo Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ là "nút thắt" lớn. Việc tháo gỡ được "nút thắt" này là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh triển khai các công trình, dự án, phát triển mạnh lĩnh vực xây dựng, dịch vụ du lịch; và đây cũng là cách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ về các sai phạm đất đai trên địa bàn TP.Đà Nẵng được công bố từ ngày 2/11/2012 . Đây là kết luận chỉ ra nhiều sai phạm, hạn chế và tồn tại lớn trong công tác quản lý đất đai của địa phương này. Trải qua chừng ấy năm, TP.Đà Nẵng vẫn đang thực hiện khắc phục hoàn thành các nội dung theo kiến nghị theo kết luận.
Trong đó, với các nội dung thuộc thẩm quyền của các cấp thành phố thì tập trung giải quyết hoàn thành trong năm 2019; đối với các nội dung còn vướng mắc trong việc thực hiện Kết luận số 2852/KL-TTCP nhưng vượt thẩm quyền giải quyết của thành phố thì giao ban Cán sự Đảng UBND TP đăng ký lịch và chuẩn bị nội dung để Thường trực Thành ủy làm việc với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có liên quan đề nghị tháo gỡ.
Theo UBND TP.Đà Nẵng, về thực hiện Kết luận số 2852/KL-TTCP, địa phương đã thực hiện xong và có hiệu quả nhiều nội dung.
Trong đó, đã tổ chức kiểm điểm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP (giai đoạn 2003-2011); giải quyết dứt điểm 15 vụ khiếu nại tồn đọng kéo dài; điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung của Quyết định số 47/2006/QĐ-UBND.
Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, về đấu giá quyền sử dụng đất; kiểm tra, đôn đốc thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố; chấm dứt việc các công ty, ban quản lý ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân; thu hồi, hủy bỏ quyết định về giảm 10% tiền sử dụng đất khi nộp đủ tiền sử dụng đất, chấm dứt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn lâu dài đối với đất có mục đích sản xuất kinh doanh.
Ban hành quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; hủy bỏ Công văn số 6090/UBND-QLĐTh về hướng dẫn thu hồi đất, giao đất đối với dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách và Điểm 12 của Thông báo số 64/TB-UBND ngày 12/12/2007 của UBND TP về nội dung thủ tục thu hồi đất tổng thể các dự án; ban hành quy định mới về đấu giá theo quy định hiện hành…
Nhiều giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất nêu tại phụ lục của kết luận thanh tra đã rà soát, điều chỉnh theo đúng kết luận.
TP.Đà Nẵng cũng đã thu hồi cho ngân sách số tiền hơn 812 tỷ đồng; trong đó, đối với các dự án khu đất thất thu theo kết luận thanh tra đã thu nộp ngân sách hơn 632 tỷ đồng; thu hồi tiền giảm 5% và 10% tiền sử dụng đất được hơn 179 tỷ đồng. UBND TP.Đà Nẵng đã thực hiện rà soát xác định lại giá đất 8 dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cạnh đó, UBND TP.Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Kết luận số 2852/KL-TTCP. Đó là số tiền phải thu hồi vào ngân sách theo kết luận của Thanh tra Chính phủ tương đối lớn nên ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và quyền lợi của doanh nghiệp, cá nhân; ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố.
Trên thực tế, một số tổ chức, cá nhân đã không hợp tác, không nộp tiền theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trong khi đó thành phố không có thẩm quyền áp dụng chế tài bắt buộc thực hiện.
Thực tế các nhà đầu tư sơ cấp đã chuyển quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư thứ cấp. Mặc dù có một số nhà đầu tư thứ cấp có nguyện vọng nộp số tiền thất thu, cũng như tiền giảm 5% và 10% tiền sử dụng đất nhưng cơ quan chức năng không có cơ sở để thu.
Nhiều trường hợp không đồng tình với việc điều chỉnh thời hạn sử dụng đất đối với những lô đất có mục đích sản xuất, kinh doanh. Mặc dù, Thanh tra Chính phủ yêu cầu thu hồi, hủy bỏ hoặc điều chỉnh các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sai về thời hạn nhưng pháp luật chưa có quy định về điều chỉnh thời hạn đã cấp sai cho những trường hợp này...
Mới đây, cũng liên quan đến vấn đề đất đai, Kiểm toán Nhà nước đã công bố báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2017 trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Báo cáo này cũng chỉ ra nhiều sai phạm, tồn tại của các doanh nghiệp lẫn cơ quan, chính quyền địa phương.