Ngày 21/7, viện Sinh thái học miền Nam (trực thuộc viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) và hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đồng ý ký bản kiến nghị gửi các cơ quan cao nhất của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và chính quyền Đà Nẵng liên quan đến vấn đề quy hoạch Sơn Trà.
Động thái này là kết quả của hội thảo khoa học về “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà" diễn ra vài ngày trước đó. Hội thảo quy tụ gần 190 đại biểu, các nhà khoa học tên tuổi khắp cả nước, nhằm góp thêm tiếng nói của các nhà khoa học về giá trị đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà, làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững.
Theo tài liệu PV có được, thư kiến nghị chỉ rõ, các báo cáo khoa học đã chứng minh bán đảo Sơn Trà thực sự là một vùng sinh thái đặc thù của Việt Nam nằm ở TP.Đà Nẵng. Cụ thể: Sơn Trà có ít nhất 1.010 loài thực vật và 21 loài nấm lớn, trong đó có 43 loài quý, hiếm theo quy định của Việt Nam và quốc tế. Thảm thực vật ở cao độ thấp hơn 200m có vai trò quan trọng bảo vệ an toàn cho loài voọc Chà vá chân nâu.
Có 370 loài động vật (38 loài thú, 160 loài chim, 18 loài lưỡng cư, 52 loài bò sát, 19 loài cá và 79 loài côn trùng), trong đó có 24 loài quý hiếm theo quy định của Việt Nam và quốc tế.
Nơi đây có từ 700 đến 1.300 cá thể Chà vá chân nâu. Tình trạng sinh trưởng và phát triển của chúng rất tốt, có nhiều con non trong bầy đàn. Bán đảo Sơn Trà đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bảo tồn nguồn gen và loài trước nguy cơ tuyệt chủng. Loài này phân bố ở tất cả các độ cao và sinh cảnh trên bán đảo (kể cả rừng trồng và bãi đá), từ sát mặt nước biển đến độ cao 696m. Bán đảo Sơn Trà có nguồn thức ăn phong phú, đa dạng cho Chà vá chân nâu. Phạm vi kiếm ăn của chúng rất rộng, bao gồm toàn bộ các vùng rừng tự nhiên và trảng cây bụi.
Sơn Trà có khoảng 20 con suối chảy quanh năm hoặc theo mùa. Lượng nước ngầm mà Đà Nẵng hiện được hưởng từ bán đảo Sơn Trà dao động ở mức trên 1.200m3/ngày đêm, là nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng cho mọi hoạt động trên bán đảo. Việc bảo vệ Sơn Trà không chỉ là bảo vệ rừng mà còn bảo vệ đất, nước và cả vùng đại dương.
Số lượng loài động, thực vật (kể cả loài quý hiếm, đặc hữu) tập trung cao trên một diện tích rất nhỏ (4.300 ha). Sơn Trà là kho cây thuốc tự nhiên với 329 loài, có mật độ phong phú và đa dạng, trong số đó có 8 loài cây thuốc quý thuộc diện bảo tồn cấp quốc gia.
Đây là một trong số ít khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam còn có cảnh quan rừng tự nhiên, gắn liền với biển.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhận định, hệ sinh thái tự nhiên nơi đây đang bị tác động nghiêm trọng. Trong 10 năm trở lại đây, diện tích và chất lượng rạn san hô ở vùng biển ven bờ đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đã bị biến mất. Nguyên nhân do việc lấn biển; xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển vùng ven bờ; sự lắng đọng trầm tích và khai thác nguồn lợi hải sản ven bờ quá mức; rác thải và ô nhiễm môi trường từ các khu đô thị, nhà hàng, hoạt động du lịch.
Diện tích thảm cỏ ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà chỉ còn khoảng 1ha, tập trung tại bãi Nồm và bãi Bụt, so với năm 2006 đã có khoảng 9ha thảm cỏ biển bị biến mất. Cấu trúc thảm cỏ biển ở bãi Nồm cũng bị biến động lớn theo xu hướng suy thoái do bị ô nhiễm và tác động môi trường.
Vùng phân bố và hoạt động của loài Chà vá chân nâu đang bị chia cắt và thu hẹp một cách nghiêm trọng do các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng; tình trạng săn bắn trộm vẫn đang diễn ra và việc phát triển du lịch thiếu kiểm soát, đang tạo áp lực lên quần thể loài linh trưởng này.
Từ những lý do đó, thư kiến nghị của các nhà khoa học đề xuất cần xác định Sơn Trà là một vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam; hoàn trả lại diện tích rừng của bán đảo Sơn Trà đã bị chuyển sang cho việc quy hoạch du lịch; tiến hành khảo sát xác định phạm vi, ranh giới, diện tích chính xác của vườn quốc gia Sơn Trà trên thực địa và trên bản đồ, bao gồm cả hợp phần trên cạn và hợp phần biển ven bờ.
Thư kiến nghị cũng đề xuất, cần tiến hành quy hoạch bảo tồn và phát triển vườn quốc gia Sơn Trà theo Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ, để làm nền tảng cho quy hoạch các loại hình và sản phẩm du lịch thích hợp.
Ngoài ra, nội dung kiến nghị còn có việc Thực hiện các hoạt động du lịch theo phương thức dịch vụ rừng đặc dụng quy định tại Nghị định số 117/2010/NĐ-CP và dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ.
Nhâm Thân - Duy Cường