Video: Nước thải ồ ạt chảy ra biển sau mưa.
Thời gian qua, vấn đề nước thải ồ ạt chảy ra biển mỗi khi mưa, bão là điều khiến nhiều người dân bức xúc. Vấn đề này đã được báo Người Đưa Tin phản ánh. Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng từng xem đây là vấn đề nóng.
Bởi, TP.Đà Nẵng được biết đến với bãi biển đẹp, bãi cát mịn kéo dài. Đồng thời, bãi biển Mỹ Khê từng được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới.
Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm, nước thải, chất thải xả ra biển là vấn đề dai dẳng. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước biển, “mất điểm” trong lòng du khách cũng như người dân.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc sở TN&MT TP.Đà Nẵng cho biết, hiện, TP đang triển khai dự án xây dựng hệ thống thu gom nước thải, tách nước mưa khu vực phía Đông.
Khi dự án hoàn thành, đưa vào vận hành sẽ cải thiện được tình trạng ô nhiễm biển ở phía Đông.
Cơ quan chức năng đã thực hiện nạo vét cống, kiểm tra, thì lượng rác mỡ trôi ra biển sau những trận mưa đã giảm hơn 50% so với trước đây.
Trước đây, nếu không có giải pháp tách mỡ tại các nhà hàng, khách sạn thì sau mỗi cơn mưa, công ty Cấp thoát nước TP sẽ phải vớt hàng tấn mỡ.
Ông Hùng cũng thừa nhận, khối lượng nhà hàng tại 2 quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà khoảng 800 cơ sở. Trong khi đó, cán bộ phụ trách môi trường ở mỗi quận rất ít nên việc kiểm soát tại các cơ sở, nhà hàng, khách sạn dọc biển khá khó khăn.
Sở TN&MT đã thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các nhà hàng, khách sạn dọc biển. Cơ quan chức năng xử lý nghiêm, đồng thời yêu cầu các cơ sở sai phạm phải có biện pháp khắc phục.
Hiện nay đang vào mùa mưa bão tại miền Trung nói chung và TP.Đà Nẵng nói riêng.
Liên quan đến vấn đề rác thải, ngày 6/11, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng có yêu cầu đảm bảo công tác vệ sinh môi trường ứng phó mưa, lũ trên địa bàn thành phố.
Theo đó, công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển và triển khai dọn vệ sinh, ưu tiên khu vực ven biển, dọc trên sông Hàn, tuyến đường chính.
Nhanh chóng thu gom, xử lý rác thải phát sinh hàng ngày, bảo đảm vệ sinh tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển, tránh ứ đọng rác thải, phát sinh mùi hôi.
Sở TN&MT, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải; tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của nhân dân về bảo đảm vệ sinh môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Du lịch chỉ đạo Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch, Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang chủ động phối hợp với Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng bảo đảm vệ sinh môi trường ở các khu vực được giao trước, trong và sau mưa lũ.
UBND các quận, huyện chỉ đạo chỉ đạo UBND các phường, xã thông báo cho nhân dân hạn chế phát sinh rác thải có kích thước lớn, vật dụng cồng kềnh trong thời gian mưa, lũ và không được để lẫn với rác sinh hoạt nhằm tạo thuận lợi cho đơn vị thu gom thực hiện.
Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc quản lý chất thải đúng quy định, tránh việc lợi dụng tình hình mưa lớn để xả thải, chôn lấp chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quản lý chất thải đúng quy định, chuẩn bị phương án ứng phó.
Đặc biệt, ông Dũng nhấn mạnh: “Nghiêm cấm lợi dụng tình hình mưa lũ để xả chất thải, nước thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, ra môi trường”.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng trong quá trình thi công, cắt tỉa cây xanh, xử lý cây xanh ngã đổ cần chủ động phối hợp với công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng xử lý kịp thời, bảo đảm vệ sinh môi trường trên các tuyến đường...
Huy Cường