Đó là thông tin vừa được ông Tô Văn Hùng, Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường TP.Đà Nẵng đưa ra vào 19/4.
Theo vị Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường TP.Đà Nẵng, đây là một trong những nội dung quan trọng có tại Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030 của địa phương.
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp luật, để hiện thực hóa đề án, TP.Đà Nẵng đưa ra tổng kinh phí ước tính hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước là 5.400 tỷ đồng, vốn ODA là 3.200 tỷ đồng, còn lại là vốn xã hội hóa.
Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025, đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn và có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước.
Sẽ có 4 nhóm thành phần trọng tâm với 31 tiêu chí mà địa phương này triển khai.
Đó là: Nhóm phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; Nhóm cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; Nhóm bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Nhóm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Về giải pháp, sở Tài nguyên Môi trường TP.Đà Nẵng cho hay, sẽ triển khai đồng loại việc: Bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0; Chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Huy động các nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách; áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại; người hưởng lợi từ các giá trị do công tác xử lý, duy trì bảo vệ môi trường phải trả phí tương xứng; tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường; phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; tăng cường quản lý nhà nước đi đôi với nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của toàn xã hội.
Ông Tô Văn Hùng cho biết, các mục tiêu, nhiệm vụ cũng như các dự án về môi trường trong Đề án này đã được tích hợp trong công tác quy hoạch, xây dựng, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, hoàn thiện năng lực giám sát, xử lý và bảo vệ môi trường, như: cấp, thoát nước, xử lý rác thải, giao thông, hệ thống quan trắc….
Do đó, việc thực hiện Đề án lần này có mục tiêu, tiêu chí hết sức rõ ràng, mang tính hệ thống, tính khả thi cao, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực và lộ trình thực hiện.
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, với số kinh phí khủng cũng như hoạch định rõ ràng của mình, sở TNMT TP.Đà Nẵng tự tin thực hiện Đề án. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn hiện hữu.
Thực tế, hạ tầng kỹ thuật về môi trường của TP.Đà Nẵng, đặc biệt ở lĩnh vực cấp nước và nước thải vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được quy hoạch, quy mô phát triển cũng như khả năng chuyển đổi theo hướng tiên tiến.
Minh chứng rõ ràng nhất chính là hiện tượng thiếu nước về mùa khô, nước thải xả tràn ra biển vào mùa mưa bão...
TP.Đà Nẵng vẫn còn nhiều điểm nóng về môi trường dai dẳng nhiều năm nhưng chưa thể giải quyết triệt để như bãi rác Khánh Sơn, khu vực lò mổ Đà Sơn, các khu dân cư bao quanh mỏ Hòa Nhơn...
Đó là chưa tính đến việc phát triển công nghiệp, dịch vụ tương lai sẽ còn gia tăng chất thải.