Đó là những chia sẻ của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa trong một buổi làm việc vào chiều 3/1. Theo ông Nghĩa, năm 2107 là năm hết sức khó khăn nhưng cũng đạt nhiều thành tựu của cả đất nước lẫn Đà Nẵng. Đây là năm Chính phủ thực hiện được 13 chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Riêng Đà Nẵng cũng đã hoàn thành tốt nhiều chỉ tiêu, nhưng cũng có chỉ tiêu chưa được.
Ông Nghĩa nhìn nhận, các chỉ tiêu chưa được của địa phương không phải là vì “chuyện buồn” vừa rồi. Bởi thực tế, Đà Nẵng đã có tính hệ thống rất tốt. Minh chứng cho điều này là nhiều chỉ tiêu hàng năm địa phương đều đứng đầu cả nước…
Tuy nhiên tới đây, Đà Nẵng cần có hướng đi mới chuẩn mực. Theo ông Nghĩa, Đà Nẵng hiện có chỉ số thu ngân sách mà nhiều địa phương phải ao ước. Nhưng con số đó liệu có bền vững hay là dựa vào nguồn thu bất động sản đang cạn kiệt dần?
Nói về những định hướng trong tương lai, ông Trương Quang Nghĩa cho biết, năm 2018 sẽ là năm quan trọng của Đà Nẵng. Địa phương sẽ tập trung điều chỉnh, rà soát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội nói chung; xem xét quy hoach hạ tầng, đô thị còn phù hợp hay không? Có xứng đáng với địa phương đang được mệnh danh là đầu tàu miền Trung hay không? "Đà Nẵng phát triển được cả nước ngưỡng mộ, đánh giá cao. Nhưng đã đến lúc Đà Nẵng có bước chuyển mình", ông Nghĩa nói.
Từ những lợi thế sẵn có như hạ tầng tương đối tốt, có dư âm APEC 2017 thắng lợi vang dội trong đối ngoại, Thường vụ, ban Chấp hành Đảng bộ Đà Nẵng đưa ra mục tiêu 6 tháng đầu năm 2018 là rà soát lại quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch chung của địa phương. Để thực hiện vấn đề này, hiện, Đà Nẵng đang thuê chuyên gia nước ngoài để đánh giá lại quy hoạch chung. Dự kiến, đến tháng 6/2016, khi kỳ họp HĐND thành phố diễn ra sẽ có những báo cáo đầu tiên.
Bí thư Đà Nẵng cũng cho rằng, định hướng phát triển của Đà Nẵng thời gian qua đã nảy sinh các bất cập, mà thể hiện rõ nhất là nhiều cử tri, doanh nghiệp bức xúc, phản ánh tại các kỳ họp. Trước đây, Đà Nẵng vì thu hút đầu tư đã đề ra những quy định chưa đúng với luật, giờ cần giải quyết hậu quả dù việc này rất khó khăn.
"Quy hoạch được đưa ra trong quá trình làm việc và nguyên tắc là quy hoạch đã được phê duyệt thì không ai được phép can thiệp. Quy hoạch thì đẹp nhưng sau một hồi thì nát bét, cái đấy là cái vô cùng nguy hiểm. Ngày 23/1 tới đây, ban Thường vụ Đà Nẵng sẽ có kỳ họp đầu tiên chỉ để nghe về quy hoạch. Bản thân các đồng chí trong ban Thường vụ cũng cần được công khai, phải biết được quy hoạch ra sao, tình trạng như thế nào, ý kiến người dân như thế thì có cách ứng xử sao cho phù hợp”, ông Nghĩa thẳng thắn.
Theo vị Bí thư Đà Nẵng, tới đây, Đà Nẵng phải tăng cường các thiết chế văn hóa để sao xứng đáng với một "thành phố đáng sống". Ở một phương diện khác, các trụ sở của thành phố khi di chuyển, sắp xếp lại thì quan điểm chung là đều phải được chuyển sang đất công cộng, đất phục vụ các thiết chế văn hóa. Không được phép bán. Ông Nghĩa nhìn nhận, đây là "của để giành", là bao nhiêu đời gìn giữ mà lâu nay vẫn xảy ra hiện tượng "rảnh ra cái là bán mất".
“Tôi bảo may quá trụ sở UBND thành phố (cũ) không bán. Nếu bán rồi thì không biết phải làm sao. Nếu làm được trung tâm hành chính mới rồi mà nhăm nhăm bán nốt tòa nhà đó thì không còn ra gì cả. Với Đà Nẵng thì trụ sở UBND thành phố (cũ) là một kỷ niệm vô cùng lớn, một ấn tượng. Đấy là hình ảnh Đà Nẵng xưa. May là chỗ này không dựng thêm một tòa nhà to đùng nữa chứ nếu thật tôi không hiểu sẽ ra làm sao", ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Ông Nghĩa cũng thẳng thắn rằng, đối với đất công, tới đây, Đà Nẵng sẽ giành giật trở lại. Chính quyền Đà Nẵng muốn nghe các quy hoạch gắn với đất công như chợ Hàn, quảng trường, đường đi bộ, vệt sông Hàn…. Công tác quản lý, hành lang pháp lý cũng sẽ được nghiên cứu làm sao phải giành giật được đất cho công cộng nhiều nhất. Việc phát triển của Đà Nẵng phải dành lại thiết chế văn hóa tương xứng cho người dân. Người dân phải có quyền hưởng lợi từ các vấn đề này.
Theo ông Nghĩa, giờ dư luận đang râm ran câu chuyện tại sao Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") lại mua được nhiều đất công như thế mà không phải người khác? Vấn đề này, cần xem lại quy trình, nguyên tắc quản lý của Đà Nẵng; đồng thời, làm rõ vai trò quản lý của ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, vai trò riêng của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân.
Song song với chuyện quy hoạch, giành giật lại đất công, Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, vấn đề công tác cán bộ, nhân sự mà đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cũng sẽ là câu chuyện lớn mà địa phương tập trung rà soát, xử lý. Cái buồn nhất của Đà Nẵng là khi có người chuyển công tác thì không có người sẵn sàng thế chỗ. "Tôi rất lo lắng khi thời gian công tác tại Đà Nẵng của tôi chỉ còn 3 năm là hết nhiệm kỳ thôi. Ai sẽ là người thay tôi. Ai sẽ tiếp tục làm cặp Chủ tịch – Bí thư Đà Nẵng...", ông Nghĩa trăn trở.
Ông Nghĩa nhớ lại, thời kỳ trước khi ông giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thì trong ban Thường vụ bấy giờ có 7 - 8 đồng chí nghỉ thôi đã khiến nhiều người lo lắng, đã xuất hiện cụm từ "chuối chín cả buồng". Vậy mà hiện giờ, cả ban Thường vụ Đà Nẵng chỉ 2/15 người có thể tái cử. Đây là một tỷ lệ vô cùng nhỏ và sẽ là nhiệm vụ quan trọng của Đà Nẵng trong thời gian tới.