Hỗ trợ sơ tán dân, di dời tài sản
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Tp.Đà Nẵng thông tin, dự báo từ ngày 14 đến sáng ngày 16/10, trên địa bàn thành phố tiếp tục có mưa lớn và dông. Tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm.
Thành phố đã điều động 433 cán bộ chiến sĩ ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về ngập lụt.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tp.Đà Nẵng đã điều động 200 lượt cán bộ chiến sĩ hỗ trợ công tác khắc phục tại khu vực biên giới biển, các điểm sạt lở đường đèo Hải Vân.
Công an Tp.Đà Nẵng cũng huy động 100% quân số ứng trực với hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ.
Qua đó đã hỗ trợ sơ tán dân, di dời tài sản tại đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái, ứng cứu người dân tại các khu vực ngập sâu.
Hiện toàn Tp.Đà Nẵng có 11 vị trí ngập từ 1 m trở lên. Cụ thể là năm vị trí tại phường Hòa Minh, sáu vị trí tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.
Tại huyện Hòa Vang có 381 hộ bị ngập. Tính đến 9h30 ngày 14/10, có 3.763 người dân được sơ tán đến nơi an toàn. Phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) nhiều nhất với 3.190 người được sơ tán.
Về tình hình thiệt hại, 9,5ha rau màu tại vùng rau La Hường và Gò Soi bị ngập úng; sạt lở tại vị trí km 905+600 đường đèo Hải Vân, quận Liên Chiểu. Hiện nay, các lực lượng chức năng cùng các địa phương vẫn đang tập trung công tác ứng phó với mưa lớn, lũ, sạt lở và vận động người dân sơ tán đến nơi an toàn.
Phải trên tinh thần sẵn sàng ứng phó
Ông Lê Trung Chinh ghi nhận, đánh giá cao các quận, huyện, sở, ngành, lực lượng vũ trang chủ động ứng phó với đợt mưa lớn này nên giảm thiểu thiệt hại.
Ông yêu cầu các quận, huyện tiếp tục duy trì số lượng người dân ở các vùng bị ngập sơ tán. Trường hợp người dân nào bị ngập thì phải được sơ tán trước 16h cùng ngày.
Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ khu vực miền Trung và các chỉ thị, công điện... của thành phố về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện tăng cường thông tin, truyền thông công tác ứng phó mưa lớn, lũ và bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trước, trong và sau thiên tai.
Chủ tịch UBND các quận huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân, bảo đảm an toàn cho nhân dân trong thiên tai, nhất là tại các khu vực dân cư ở những vùng trũng, thấp, ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố...
Đồng thời, sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; tổ chức lực lượng canh gác, tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn; sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị xử lý các tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ nạo vét, khơi thông cống thoát nước thuộc phạm vi quản lý để hạn chế tình trạng ngập cục bộ; vận động người dân khơi thông, không làm cản trở dòng chảy tại kênh, mương, cửa thu nước mưa trước nhà để nâng cao hiệu quả thoát nước;
Kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình trái phép, gây cản trở thoát lũ, dòng chảy ở các khu vực, tự ý tích nước để tổ chức sản xuất trái quy định của pháp luật.
Các đơn vị, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, các sở, ban, ngành kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập úng, chủ động có giải pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống do thiên tai có thể gây ra.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan chỉ đạo tập trung triển khai phương án phòng chống ngập úng, khơi thông cống rãnh, vệ sinh cửa thu nước mưa; chỉ đạo Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng tiếp tục triển khai phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho đập và hồ chứa nước Nam Mỹ.
Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện và các sở, ban, ngành chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án khẩn trương tổ chức phòng chống mưa lũ và sạt lở đất cho công trình; phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng do mưa lớn cho các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng chống sạt lở đất đá trên địa bàn thành phố và phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức dọn vệ sinh môi trường sau mưa lũ.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, bảo đảm an toàn và thông suốt các tuyến giao thông chính; chỉ đạo khẩn trương rà soát các tuyến đường có nguy cơ sạt lở đất đá, triển khai ngay các giải pháp an toàn và cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm; tham gia điều tiết giao thông tại các khu vực xảy ra ngập úng, sạt lở đất đá...
Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, UBND các quận, huyện... trên địa bàn thành phố theo dõi diễn biến của thời tiết, mưa lũ trong các ngày tiếp theo để quyết định cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên nghỉ học để bảo đảm an toàn, nhất là tại các vùng trũng, thấp, ngập lũ, nguy cơ sạt lở đất...
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thường xuyên kiểm tra đánh giá an toàn các đập, hồ chứa nước trên địa bàn;
Sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn công trình; vận hành hồ chứa theo đúng quy trình và phương án phòng chống thiên tai đã được phê duyệt.
Các đơn vị này phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn không cho người dân và phương tiện đi lại trong hồ và tràn xả lũ; kịp thời thông báo cho UBND các quận, huyện, các xã cảnh báo cho nhân dân biết, chủ động phòng tránh...