Vào khuya 30/1, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và đoàn công tác đã đến sân bay Đà Nẵng và bệnh viện Đà Nẵng để kiểm tra quy trình dự phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng cho biết, được sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng, đơn vị đã xây dựng khu vực cách ly điều trị theo chuẩn bộ Y tế.
Xây dựng kế hoạch, đưa ra các tình huống khẩn cấp để tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế, theo các quy trình Bộ cập nhật.
Cụ thể, bệnh viện đón trực tiếp bệnh nhân từ sân bay. Bệnh nhân liên hệ khám; phân luồng bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện khi có các biểu hiện nghi ngờ.
Hiện nay, bệnh viện cũng đã thành lập 4 đội phòng chống dịch, mỗi đội có bác sĩ khoa y học nhiệt đới, cấp cứu đa khoa và các bộ phận kèm theo.
Toàn bộ hệ thống được trang bị 1 chiều để phục vụ cho việc thu nhận bệnh nhân và cách ly với đầy đủ các trang thiết bị phòng hộ.
Bệnh viện cũng có kế hoạch cụ thể với sở Y tế mua trang thiết bị, đặc biệt thành phố có chủ trương chi gần 20 tỷ mua thiết bị chống dịch, trong đó mua thêm máy thở, bơm tiêm điện….
Bệnh viện lập đường dây nóng 24/24 để tư vấn khám qua điện thoại và trong trường hợp có dấu hiệu, sẽ hẹn bệnh nhân đến khám.
Bác sĩ Nhân cho biết thêm, bệnh viện tiếp nhận 51 trường hợp nghi vấn.
Trong đó, 1 trường hợp phát hiện tại sân bay. Những trường hợp khác tiếp xúc với người nước ngoài, nhân viên nhà hàng… có biểu hiện ho sốt, đến bệnh viện thực hiện cách ly.
Qua rà soát có 39 người nghi vấn, đến nay 28 mẫu âm tính, 4 mẫu ngày 31/1 có kết quả, còn lại 7 mẫu khác bệnh nhân hết sốt, yếu tố dịch tễ không còn.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc sở Y tế TP.Đà Nẵng cho biết, địa phương đã lên kế hoạch chuyển khu vực cách ly về bệnh viện Phổi. Trong trường hợp phát sinh thêm bệnh, địa phương sẵn sàng lập bệnh viện dã chiến để kịp thời điều trị.
Đà Nẵng muốn chữa ca bệnh nhiễm virus corona đầu tiên.
Bà Yến cũng cho rằng, hiện nay, bộ Y tế có hướng dẫn, các đơn vị địa phương, đặc biệt ca nhiễm đầu tiên, ca rất khó, điều quan trọng nhất là tránh trường hợp tử vong.
Ca bị nhiễm đầu tiên nếu trường hợp nặng phải chuyển lên trung ương. Khu vực Quảng Bình đến Phú Yên, bệnh viện trung ương là bệnh viện Huế.
Tuy nhiên, đối với Đà Nẵng, ngành y tế muốn được xem xét và điều chỉnh, có thể điều trị những ca đầu tiên trên địa bàn TP sẽ phù hợp hơn.
Bởi, vị trí địa lý từ TP.Đà Nẵng ra đến bệnh viện Trung ương Huế là khá xa.
Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị tại TP.Đà Nẵng đối với việc phòng ngừa, điều trị dịch viêm đường hô hấp cấp.
Ông khẳng định, sẽ lưu ý với kiến nghị của Giám đốc sở Y tế TP.Đà Nẵng về việc, nếu có ca bệnh đầu tiên liên quan virus corona sẽ giữ lại bệnh viện Đà Nẵng điều trị.
“Đến nay, đã có 3 người Việt dương tính virus corona và với việc người bản xứ đã bị, cho nên hoạt động y tế cần lên phương án cao độ nhất.
Phát hiện sớm, cách ly ngay. Không bao giờ chủ quan vấn đề kiểm soát, phát hiện, cách ly người bệnh. Tất cả đều nằm ở lĩnh vực y tế”, Thứ trưởng nói.