Chi tiền tỷ để đào tạo một nhân tài
Thực hiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (còn gọi là Đề án 922), UBND TP. Đà Nẵng đã cử nhiều học viên đi đào tạo ở nước ngoài bằng tiền ngân sách của thành phố với những điều khoản cam kết giữa hai bên. Theo đó, các học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ phải về Đà Nẵng phục vụ theo sự phân công của thành phố.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án này, đã có không ít vấn đề nảy sinh. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp không thực hiện đúng cam kết, không về quê hương phục vụ hoặc về được một vài năm rồi xin nghỉ việc, đi ra nước ngoài. Đỉnh điểm của thực trạng này là việc ba học viên Hồ Thị Như Mai (công tác tại khu công nghệ cao); Hà Thanh An (công tác tại sở Ngoại vụ Đà Nẵng) và Nguyễn Văn Lời (công tác tại sở KH - CN Đà Nẵng).
Trước đó, học viên Mai và An được chọn đi đào tạo tại Anh, còn học viên Nguyễn Văn Lời đi đào tạo tại Úc. Chi phí học tập của ba học viên mà ngân sách TP. Đà Nẵng đã bỏ ra là: Học viên Lời có chi phí 2,38 tỷ đồng, học viên Mai 958 triệu đồng và học viên An 730 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi được đào tạo ở nước ngoài, học viên Mai và An đã về công tác tại Đà Nẵng nhưng đến đầu năm 2013 thì Mai sang Anh theo chồng, An được học bổng khác nên cũng xuất cảnh. Riêng học viên Lời đang là nghiên cứu sinh bị nhà trường phía Úc cho nghỉ học.
Các học viên đến tham khảo chương trình Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng
Chính vì thế, UBND TP. Đà Nẵng vừa ra quyết định chấm dứt tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP.Đà Nẵng đối với ba học viên được hỗ trợ kinh phí đi du học nước ngoài, đồng thời yêu cầu họ bồi thường kinh phí gấp 5 lần kinh phí đã hỗ trợ do vi phạm hợp đồng đào tạo.
Theo quyết định, kể từ ngày 12/6, TP. chấm dứt tham gia đề án đối với các học viên Hồ Thị Như Mai và Hà Thanh An do tự ý bỏ việc, không thực hiện đủ thời gian làm việc đối với thành phố theo cam kết; Nguyễn Văn Lời do không hoàn thành chương trình nghiên cứu theo quy định của đề án.
Ngoài ra, UBND TP. Đà Nẵng giao trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng đối với các học viên và gia đình sau khi họ đã hoàn tất việc bồi thường gấp 5 lần. Nếu các học viên và gia đình không bồi thường thì giao trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm thủ tục kiện ra tòa.
Thuế của dân phải trả cho dân
Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, cả ba học viên trên một thời gian dài đã không liên lạc gì với UBND TP.. Đã vậy, khi UBND thành phố cố gắng liên lạc thì họ tắt máy. Ngoài ra, UBND TP. cũng rất nhiều lần tới gặp gia đình các học viên để động viên và thương lượng nhưng kết quả không như mong muốn.
Các nhà vô địch Olympia cống hiến cho... nước bạn Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do VTV tổ chức đã bước sang năm thứ 13, như vậy có ít nhất 12 nhà vô địch đã được đi đào tạo ở nước ngoài. Thế nhưng, theo thống kê, hầu hết những người này sau khi tu nghiệp ở Úc đều quyết định làm việc tại nước sở tại. Có nhiều lý do để các nhà vô địch biện minh cho quyết định của mình, tuy nhiên cũng có không ít người đặt ra câu hỏi: Vì đâu mà những Phan Mạnh Tân, Trần Ngọc Minh, Lê Vũ Hoàng có cơ hội sang Úc du học? |
Theo nhiều chuyên gia về giáo dục, thực trạng chảy máu chất xám ở nước ta thời gian qua khiến nhiều nhà quản lý phải lo ngại. Rất nhiều du học sinh được cử đi đào tạo ở nước ngoài đã không về nước phục vụ quê hương, hoặc chỉ về chiếu lệ một vài năm rồi tìm cách ra đi.
Theo PGS. Văn Như Cương, nếu học viên tự bỏ tiền túi đi ra nước ngoài du học mà không trở về nước thì có thể hiểu và chấp nhận bởi có nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, đối với những người Nhà nước cử đi bằng tiền ngân sách mà không về nước phục vụ thì đó là điều cần phải xem lại.
Việc này từ trước tới nay vẫn xảy ra, nhưng chúng ta chưa có một chế tài nào xử lý triệt để. Theo PGS. Văn Như Cương, các cơ quan khi cử học viên đi nước ngoài đào tạo cũng cần chú trọng đến việc xem xét hồ sơ, lý lịch của từng học viên.
Theo thông tin mà PV có được, hiện trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng đang nhờ các cơ quan tố tụng tư vấn để đưa ra giải pháp hợp lý nhất. Theo đó, thành phố sẽ thông báo tới các học viên và gia đình về các khoản chi phí bồi thường và cho thời hạn để các học viên giải quyết. Nếu quá hạn, thành phố sẽ khởi kiện ra toà án dân sự theo luật hiện hành.
Dưới góc độ luật pháp, luật sư Trần Văn Đức (Giám đốc công ty Luật TNHH Hà Trần - đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, “việc các học viên sử dụng tiền ngân sách đi đào tạo ở nước ngoài nhưng không thực hiện đúng cam kết như ở Đà Nẵng là điều rất khó chấp nhận. UBND thành phố hoàn toàn có thể khởi kiện những người này ra toà về việc không thực hiện đúng hợp đồng, cam kết với thành phố. Thành phố cử đi để về phục vụ quê hương bằng chính tiền thuế của dân, nhưng lại không có thiện chí phục vụ quê hương, đó là một điều rất đáng buồn. Tôi ủng hộ việc Đà Nẵng kiện các học viên này đòi bồi thường những tổn thất bởi các học viên không thực hiện đúng cam kết là điều hoàn toàn hợp lý. Hàng tỷ đồng tiền thuế của dân cần phải được coi trọng", luật sư Đức chia sẻ.
Đối với nhiều người, việc được cử đi nước ngoài đào tạo là một may mắn và niềm hạnh phúc. Được trở về quê hương phục vụ là niềm tự hào đối với họ. Nhưng cũng có không ít người coi việc được đào tạo ở nước ngoài là bước đệm để xuất ngoại và đã không ngần ngại tìm mọi cách để không trở về phục vụ đất nước. Việc Đà Nẵng buộc các học viên đó phải bồi thường tuy chưa phải là cách xử lý phổ biến ở nước ta, nhưng đó là việc đáng được ủng hộ trước thực trạng chảy máu chất xám như hiện nay.
Quốc Triều