Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh.
Để theo đuổi mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ mà thành phố chọn thực hiện là xanh hóa các khu công nghiệp, hướng tới mỗi khu công nghiệp trở thành khu sinh thái, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn theo mục tiêu Net Zero.
Còn theo đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất một khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; đến năm 2030 có 2 đến 3 Khu công nghiệp sinh thái.
Song, theo chia sẻ của ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, trong quá trình thực hiện việc xanh hóa khu công nghiệp, các doanh nghiệp cũng như đơn vị này đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
“Nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ rất hạn chế, thủ tục còn phức tạp, chưa thực sự tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất. Nhiều quỹ tài chính xanh như Quỹ Ủy thác tín dụng xanh, Quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Bảo vệ môi trường… đã tạm ngưng các khoản vay hỗ trợ đổi mới công nghệ hoặc thắt chặt các chính sách, đối tượng cho vay”, ông Tỵ thông tin.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Nhà máy giấy Bao bì Tân Long, Khu công nghiệp Hòa Khánh cho biết, cách đây 5 năm, công ty đã rất băn khoăn trước quyết định vận hành theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bởi nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn đầu tiếp cận xu thế sản xuất này sẽ gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận giảm, ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Sau đó, doanh nghiệp chọn phương án hoạt động sản xuất sạch hơn bằng cách đổi mới máy móc công nghệ hiện đại để giảm phát thải ra môi trường, tăng chất lượng sản phẩm, quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50.001 để sử dụng tiết kiệm.
“Hiện mỗi ngày công ty sản xuất khoảng 70 tấn giấy thành phẩm nhưng chỉ thải ra 1,5 tấn rác, chủ yếu là băng keo có thể tái sử dụng. Đồng thời, khí thải và nước thải ra môi trường đều đạt chuẩn quy định”, ông Thống nói.
Là công ty con thuộc tập đoàn của Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Phu - Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Khu công nghiệp Hòa Khánh chia sẻ, trước đây công ty đã triển khai tiêu chuẩn xanh của tập đoàn và hiện nay tiếp tục thực hiện theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Song tiêu chuẩn, cách làm hoàn toàn khác nên rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn của chuyên gia cũng như cơ quan chức năng.
Theo đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, hằng năm, thành phố Đà Nẵng có những gói hỗ trợ để doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý.
Từ năm 2015 đến nay, trong khuôn khổ chương trình khu công nghiệp sinh thái quốc gia - do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Ban Quản lý cũng đã liên kết với các tổ chức nhằm hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn (RECP) cho 29 doanh nghiệp; đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện từ năm 2016 - 2020.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc áp dụng các giải pháp ước tính giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm; giảm gần 50.000m3 nước thải và trên 5.000 tấn CO2 mỗi năm.
Phát triển điện măt trời tại khu công nghiệp
Ông Bùi Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc Điện lực Đà Nẵng, chia sẻ, hiện nay, sử dụng điện năng lượng mặt trời là một trong những giải pháp thiết thực được doanh nghiệp lựa chọn khi áp dụng xanh hóa khu công nghiệp. Tiết kiệm chi phí sử dụng điện là lợi ích đầu tiên mà doanh nghiệp nhận được khi lắp đặt điện mặt trời, đây cũng là mục đích đầu tiên của hầu hết các doanh nghiệp khi đầu tư hệ thống năng lượng sạch.
Theo ông Huy, điện mặt trời phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp giảm mua điện từ lưới điện quốc gia, tối ưu chi phí điện, tiết giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Điện mặt trời có những ưu điểm nổi bật như chi phí bảo trì thấp, dễ dàng lắp đặt, góp phần làm mát nhà xưởng, bảo vệ môi trường.
“Năng lượng mặt trời có tác động rất ít ảnh hưởng đến môi trường so với bất kỳ nguồn năng lượng nào khác. Điện mặt trời không tạo ra khí nhà kính và không gây ô nhiễm nước, không tạo ra tiếng ồn”, ông Huy cho hay.
Song điện mặt trời cũng có một số khó khăn nhất định như đầu tư ban đầu còn tương đối cao. Vốn đầu tư ban đầu từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng phụ thuộc quy mô khiến nhiều đơn vị còn cân nhắc. Sản lượng điện mặt trời phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, số giờ nắng trong ngày.