Như tin chúng tôi đã đưa, những ngày này, người Đà Nẵng xót xa khi chứng kiến bãi biển đẹp nhất hành tinh tại địa phương bị sạt lở, xói mòn.
Vấn đề này đang trở nên vô cùng nguy hiểm. Không chỉ đơn thuần là sạt lở bờ cát bên ngoài mà nhiều hạng mục bê tông, bờ kè, lối đi bộ.. cũng đang đứng trước nguy cơ trôi sông trôi biển.
Các hộ dân buôn bán tại khu vực biển cho biết, hiện tượng sạt lở biển Đà Nẵng manh nha từ năm 2016, nhưng đến tháng 12/2017 này bị sạt lở, sụt lún diễn ra với tốc độ kinh hoàng.
TS. Nguyễn Thị Minh Phương, đại học Duy Tân Đà Nẵng, cùng các cộng sự trong công trình nghiên cứu "Nước ngầm tại Đà Nẵng - thực trạng và hậu quả" đã chỉ ra rằng, hiện tượng sạt lở biển Đà Nẵng rất đáng báo động. Về nguyên nhân, đang có một mối liên hệ giữa sự xâm thực của biển với việc rất nhiều công trình xây dựng ven biển khai thác quá mức nước ngầm trong thời gian qua. Hệ lụy là dẫn đến yếu tầng nền, sụp lún cục bộ.
Theo vị chuyên gia, hiện dải đất ven biển Đà Nẵng đang chứng kiến tốc độ xây dựng chóng mặt với những cao ốc, khách sạn. Để phục vụ cho xây dựng, một lượng nước ngầm đã bị hút đi xả trực tiếp vào cống chứ không trả lại khu vực. Mặt nước ngầm bị hạ xuống tạo hình nón trũng. Việc làm cạn kiệt nguồn nước ngầm ven biển không chỉ là yếu tố khởi động cho quá trình sạt lở diễn ra mà còn gây nên hiện tượng xâm nhập mặn làm hủy hoại tầng nước ngầm của khu vực.
Về sâu xa, hiện tượng sạt lở bờ biển chỉ một trong số hàng loạt hệ lụy mà thiên nhiên đang cảnh báo con người trong việc bơm quá mức nguồn nước ngầm phục vụ xây dựng cao ốc. Theo TS. Phương, nguồn nước ngầm suy thoái gây biến mất sông suối, ao hồ, gây sụt lún, nhiễm mặn, xói mòn đường bờ biển.
Đề xuất các giải pháp, TS. Phương cho rằng, việc cần làm là phải dừng ngay các hoạt động gây cạn kiệt nước ngầm, tính toán sự xâm nhập mặn, tốc độ và quy mô sạt lở. Về lâu dài, cần có chính sách khai thác nước ngầm hiệu quả, hạn chế bê tông hóa bề mặt tạo điều kiện nguồn nước phục hồi.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đến thị sát các vị trí sạt lở do xâm thực tại khu vực biển Ngũ Hành Sơn. Trước vấn nạn nghiêm trọng này, ông Thơ yêu cầu các ngành nghiên cứu đánh gia tìm ra giải pháp. Cạnh đó, khẩn trương cải tạo, sữa chữa lại những hạng mục bị hư hỏng, cảnh báo không cho người dân đi lại và tắm biển ở các khu vực này để đảm bảo an toàn, tính mạng.
.